Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2018
Trước tiên, cần nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của bảo vệ chính trị nội bộ trước hết là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, bảo vệ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ động, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân là yếu tố quyết định sự thành công của công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, mối quan hệ giữa bên trong với bên ngoài, yếu tố bên trong có vai trò quyết định. Cùng với việc đề phòng sai lầm về chủ trương, đường lối, việc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội chính trị và vi phạm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật đảng là cực kỳ quan trọng.
Đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cơ sở trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đặc biệt là công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt phương châm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ lấy phòng ngừa là chính. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng đảng, đặc biệt là công tác xây dựng đảng về tổ chức, cán bộ.
Thứ hai, cần chuyển mạnh trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ sang nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. Thực tiễn cho thấy đây là vấn đề khó nắm bắt và còn nhiều điểm cần phải tiếp tục được làm sáng tỏ từ xác định nội dung cụ thể đến phương pháp nhận diện, xử lý. Có những vấn đề đã có trong quy định của Đảng nhưng không thể xác định để đưa ra kết luận mặc dù nó xảy ra nhiều trong thực tiễn, thậm chí thường xuyên, phổ biến, ví dụ như cơ hội chính trị, phải xác định rõ thế nào là cơ hội chính trị, những biểu hiện của cơ hội chính trị, làm thế nào để nhận biết và kết luận trường hợp đó là cơ hội chính trị… Có những vấn đề cần phải được làm rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn. Ví dụ vấn đề tham nhũng, từ cơ hội thực dụng chuyển sang cơ hội chính trị. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng là hành vi kinh tế chứ không phải hành vi chính trị cho nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ. Xét ở góc độ chính trị, khi tham nhũng xảy ra chỉ là cá biệt ở một vài trường hợp, một vài cơ quan, địa phương thì không phải là vấn đề chính trị. Nhưng nếu tham nhũng xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương như hiện nay thì rõ ràng nó trở thành vấn đề chính trị của Đảng. Và, nếu là vấn đề chính trị của Đảng, cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ phải có trách nhiệm xem xét giải quyết cùng với các cơ quan chuyên môn khác của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, một trong những vấn đề đang đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ đó là thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Do đó, cần gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chăm lo xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác xây dựng đảng, đặc biệt là bốn nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Thứ tư, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng, hoạt động của cán bộ, đảng viên có liên quan đến yếu tố nước ngoài diễn ra phức tạp, khó quản lý. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, các cơ quan đặc biệt của nước ngoài tăng cường hoạt động nhằm lôi kéo, mua chuộc, khống chế cán bộ, đảng viên hoạt động cho chúng. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên có hoạt động liên quan đến yếu tố nước ngoài đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết (bổ sung, ban hành quy chế, quy định và tổ chức thực hiện), nhằm bảo vệ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp tham gia hoạt động hoặc tiếp tay cho hoạt động chống phá ta của các thế lực thù địch. Việc theo dõi, quản lý lưu học sinh, người Việt Nam đang làm việc, học tập ở nước ngoài cũng là vấn đề cần hết sức quan tâm chú ý. Đây là nhóm đối tượng mà các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các thế lực thù địch tập trung móc nối, lôi kéo nhằm phục vụ cho các âm mưu hoạt động của chúng ở trong và ngoài nước.
Thứ năm, hiện nay nắm tình hình chính trị nội bộ đang là một khâu yếu trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính trị hiện nay. Nhiều vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên diễn ra hằng ngày nhưng tổ chức đảng, người đứng đầu không nắm được, nhất là những vấn đề thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến công tác quản lý, đánh giá cán bộ, đảng viên. Cơ quan chuyên trách làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ không thường xuyên theo dõi, quản lý cán bộ, đảng viên nên rất thụ động trong việc xem xét, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp có vấn đề về chính trị. Vừa qua, các cấp ủy đã tiến hành thực hiện sổ ghi chép tình hình chính trị nội bộ nhưng quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả thấp. Do đó, trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục nghiên cứu có biện pháp thích hợp để thực hiện có hiệu quả công tác nắm tình hình chính trị nội bộ.
Thứ sáu, cần thực hiện tốt công tác thẩm định tiêu chuẩn chính trị cán bộ trong công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ. Công tác thẩm định phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình. Bảo đảm tất cả các trường hợp cán bộ, đảng viên được đề bạt, bổ nhiệm đều phải được thẩm định và kết luận về tiêu chuẩn chính trị không chỉ vấn đề lịch sử chính trị, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề chính trị hiện nay. Quá trình thẩm định tiêu chuẩn chính trị không gây khó khăn, cản trở cho công tác cán bộ, đồng thời không để sót, lọt những trường hợp cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nhưng lại được đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí tương ứng theo quy định.
Thứ bảy, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo Quyết định số 140-QĐ/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII. Cần nghiên cứu, xem xét bổ sung những quy định có tính nguyên tắc trong Quy chế phối hợp cả về nội dung, phương thức phối hợp, đặc biệt là việc cung cấp, trao đổi thông tin. Quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ.
Thứ tám, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp. Cần tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp cả về tổ chức bộ máy, cán bộ, phương thức hoạt động, bảo đảm để cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ có đủ các điều kiện về nhân lực, cơ chế hoạt động, quyền hạn để nắm chắc tình hình chính trị nội bộ thuộc về tổ chức đảng, đảng viên. Cần xem xét, kiện toàn cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm tính độc lập tương đối với cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên trong việc theo dõi, quản lý cán bộ, đảng viên. Kịp thời tham mưu giúp cấp ủy xử lý, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ Đảng (cả những vấn đề chính trị nội bộ liên quan đến cán bộ, đảng viên và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng).
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Cán bộ làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
TS. Quản Minh Cường Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ - Cục trưởng Cục BVCTNB, Ban Tổ chức Trung ương (nguồn http://www.xaydungdang.org.vn)Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, BTCT