(TCCS) - Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (Nghị quyết), Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã triển khai Nghị quyết vào cuộc sống, mang lại kết quả tích cực cùng với nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)_Ảnh: Nguyễn Minh Tân
Nghiêm túc quán triệt, triển khai Nghị quyết, tạo nhiều chuyển biến tích cực
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi Hội nghị Trung ương 4 khóa XII kết thúc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị báo cáo nhanh kết quả Hội nghị cho cán bộ chủ chốt của tỉnh; ban hành Kế hoạch số 17-KH/TU, ngày 20-12-2016, để tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết. Quá trình triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết, tỉnh mở 603 lớp với 71.962 lượt đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các chức sắc tôn giáo, người lao động... tham gia nghiêm túc, trách nhiệm. Ngày 19-1-2017, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU thực hiện Nghị quyết, nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể theo lộ trình cho từng tổ chức, cá nhân và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cụ thể hóa phù hợp. Có 100% các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và hầu hết các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện ở cấp mình.
Nội dung truyền đạt Nghị quyết, xác định rõ các giải pháp thực hiện và thường xuyên nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mình để chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý kịp thời. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên các trang thông tin điện tử, tập san nội bộ, hội nghị, hội thảo. Lựa chọn những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để biểu dương, nhân rộng nhằm tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.
Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Nghị quyết, bằng đăng ký các nội dung nêu gương, các bản “cam kết tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu” hằng năm và được thực hiện thường xuyên.
Cùng với công tác triển khai thực hiện Nghị quyết, nêu gương người đứng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc sinh hoạt đảng, kê khai tài sản, công tác cán bộ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện Nghị quyết gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và một số quy định của Đảng ở các cấp ủy, tổ chức đảng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cấp ủy, tổ chức đảng công khai kết quả kiểm tra, giám sát để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Gần 3 năm qua, cấp ủy các cấp đã thực hiện kiểm tra 2.188 lượt tổ chức đảng, 8.183 đảng viên, kết quả có 2.010 tổ chức đảng thực hiện tốt; giám sát chuyên đề đến 887 lượt tổ chức, 2.623 lượt đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra dấu hiệu vi phạm 69 tổ chức đảng và 230 đảng viên, qua kiểm tra có 61 tổ chức đảng và 209 đảng viên có vi phạm, trong đó vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật 4 tổ chức đảng và 90 đảng viên.
Trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại đơn vị, tổ chức mình; ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt”. Ngoài ra, chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Công tác cán bộ ngày càng được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, phát huy tính tiên phong, gương mẫu. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức các cấp không vi phạm uống rượu, bia trong giờ làm việc, buổi trưa các ngày làm việc; tình trạng liên hoan, ăn uống lãng phí khi hội họp, tổng kết, đề bạt, bổ nhiệm... giảm đáng kể; kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh, cơ bản khắc phục tình trạng sử dụng sai chế độ, tài sản, tài chính, xe công...
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó giúp xã hội ổn định hơn và kinh tế tiếp tục phát triển khá (hằng năm, tăng trưởng kinh tế đạt gần 8,6%; thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng). Kết quả của những chuyển biến tích cực trên do tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã nêu cao tinh thần đoàn kết trong Đảng; chấp hành nghiêm quy chế làm việc và các nguyên tắc của Đảng. Từ đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị nói chung, trong thực hiện Nghị quyết nói riêng. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mình; thẳng thắn, trung thực trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, phát huy những thành tích và khắc phục những khuyết điểm, yếu kém.
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết cũng bộc lộ những hạn chế:
Công tác nắm tình hình, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên cơ sở vẫn chưa kịp thời. Việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp trên tại một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt. Công tác nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát hiện và giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn của tỉnh đang đặt ra.
Vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lúc, có việc chưa cao. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có người đứng đầu chưa thật sự tiền phong, gương mẫu. Việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên sau kiểm tra, giám sát còn chậm. Trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở một số tập thể và cá nhân còn có biểu hiện cả nể, né tránh khuyết điểm và chưa nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên. Một số tổ chức cơ sở đảng chưa nghiêm túc trong kiểm điểm, nhận diện các biểu hiện suy thoái; chưa kịp thời nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm mới.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế. Tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Bởi lẽ, một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn tâm lý ngại đấu tranh với biểu hiện, hành vi tham nhũng do lo ngại đơn vị mất thành tích, liên đới trách nhiệm nên chưa kiên quyết chỉ đạo xử lý các sai phạm.
Những bài học kinh nghiệm quý
Thứ nhất, nhận thức, quán triệt, triển khai Nghị quyết phải đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ý thức tự giác rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tốt thì nơi đó việc thực hiện Nghị quyết và các quy định của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống. Nơi nào cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu quyết liệt, có năng lực, trình độ, tâm huyết, có sáng kiến, tư duy mới thì nơi đó chỉ đạo triển khai các nội dung chỉ thị, nghị quyết đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị phải thật sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, thực hiện nhiệm vụ được giao để làm gương cho cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Đồng thời, các cấp ủy đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải kịp thời nắm bắt được diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc cần thường xuyên, kịp thời. Chú trọng kiểm tra, thanh tra sau kiểm tra, giám sát; kiểm điểm tập thể, cá nhân nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, gắn chặt với kế hoạch, chương trình hành động của tập thể, cam kết thực hiện của từng cá nhân. Khi phát hiện có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” cần có biện pháp kịp thời ngăn chặn ngay, kiên quyết xử lý những cá nhân vi phạm.
Thứ tư, cấp ủy đảng các cấp thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, nắm chắc tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện Nghị quyết. Kịp thời sơ kết, tổng kết việc thực hiện và bám sát thực tiễn để bổ sung, điều chỉnh giải pháp, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Để việc thực hiện Nghị quyết ngày càng hiệu quả
Nhất quán thực hiện mục tiêu: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đề ra. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời định hướng, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ ở khu dân cư. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 99-QĐ/TW, của Ban Bí thư, về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và có kế hoạch chủ động phòng ngừa những biểu hiện trên. Chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị; bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, cấp ủy đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát. Phân định rõ thẩm quyền cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng nhiệm vụ và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch; ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, trục lợi trong quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, chấm dứt tình trạng ăn uống, chè chén không lành mạnh, lãng phí và chấn chỉnh tình trạng không chấp hành sự phân công công tác, kén chọn vị trí, chức danh công tác trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ba là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong quá trình tự kiểm điểm hoặc cấp trên gợi ý; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo lộ trình trong Chương trình hành động số 31-CTr/TU, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; quy chế về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với trường hợp vi phạm. Đồng thời, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, có mô hình hay, việc làm mới.
Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên theo Kế hoạch số 14-KH/TU, ngày 19-10-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện nghiêm việc phân công các đồng chí uỷ viên ban thường vụ, cấp uỷ viên cấp ủy cấp cơ sở và cấp trên cơ sở thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn phụ trách; tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác tuyên giáo, kiểm tra, giám sát ở cơ sở./.
Ngọc Bảo- Tạp chí Cộng sản (http://www.tapchicongsan.org.vn)