Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Một số nội dung, yêu cầu cần lưu ý trong xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội đảng các cấp In trang
02/03/2020 07:21 SA

TCCS - Năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một trong những hoạt động hết sức quan trọng, không thể thiếu của đại hội đảng các cấp là thảo luận, thông qua báo cáo chính trị. Đây là văn kiện trung tâm của đại hội, vừa có giá trị tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội trong nhiệm kỳ tiếp theo của mỗi cấp bộ đảng. Do đó, báo cáo chính trị cần phải được quan tâm, đầu tư xây dựng hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng _Nguồn: Tư liệu
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng _Nguồn: Tư liệu

1- Vai trò, ý nghĩa của báo cáo chính trị tại đại hội đảng các cấp

Theo quy định của Điều lệ Đảng, đại hội đảng các cấp là cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội. Đại hội đảng các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ trên các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội; khẳng định những thành tựu, ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lĩnh vực đời sống xã hội trong nhiệm kỳ tiếp theo; bầu cấp ủy khóa mới - cơ quan lãnh đạo của cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội, bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên. Việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp là sự kiện chính trị trọng đại của cả nước, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Trong các văn kiện của đại hội đảng bộ các cấp, báo cáo chính trị là một trong những cấu phần quan trọng nhất, không thể thiếu của đại hội. Báo cáo chính trị vừa là văn kiện vừa có giá trị tổng kết toàn diện, chính thống, khoa học, thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của đảng bộ và nhân dân về đánh giá hoạt động lãnh đạo và hoạt động xây dựng nội bộ của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ; đồng thời, vừa thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, quan điểm, chủ trương, định hướng lớn, khả năng dự báo và đề xuất mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cho nhiệm kỳ tiếp theo. Với ý nghĩa đó, báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp vừa là bản báo cáo tổng kết thực tiễn, vừa là một đề án khoa học về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... trong nhiệm kỳ của Đảng nói chung và của đảng bộ một địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng.

Vai trò định hướng của báo cáo chính trị thể hiện từ tiêu đề, nội dung kết cấu, bố cục của báo cáo. Tiêu đề của báo cáo chính trị không chỉ đơn thuần là tên gọi, chủ đề của báo cáo mà còn là khẩu hiệu, tuyên ngôn hành động, là những nội dung nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đảng bộ và nhân dân trong nhiệm kỳ, là tư duy, tầm nhìn chiến lược, ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp bộ đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị.

Nội dung của báo cáo chính trị không chỉ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước, xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau, mà còn đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn cụ thể đang đặt ra đối với toàn Đảng, đối với đất nước hoặc đối với đảng bộ địa phương, cơ quan, đơn vị; là sự phản ánh chân thực, sinh động mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, giữa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với mọi mặt đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, đại hội đảng bộ các cấp còn là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, khoa học, sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập rộng rãi góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi cấp bộ đảng.

Kết cấu, bố cục, tiêu đề các phần, mục trong nội dung của báo cáo chính trị vừa thể hiện nội dung các mặt công tác, nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, các lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, cũng thể hiện tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn, sự đổi mới, sáng tạo của các cấp bộ đảng, mà trước hết là của cấp ủy triệu tập đại hội và tiểu ban văn kiện (tiểu ban nội dung) của đại hội.

Với vị trí, tính chất đặc biệt quan trọng nêu trên, xây dựng báo cáo chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy triệu tập đại hội, trong đó trách nhiệm được giao trực tiếp là tiểu ban văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Thảo luận xây dựng báo cáo chính trị là một trong những hoạt động trung tâm, đặc biệt quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp. Chính vì tính chất quan trọng như vậy, trước đây, Đảng ta đã có quy định về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp 2 vòng, có vòng dành riêng cho việc tổ chức thảo luận xây dựng các văn kiện, trong đó có báo cáo chính trị của đại hội.

2- Yêu cầu về nội dung, bố cục của báo cáo chính trị

Theo thông lệ, gần cuối mỗi nhiệm kỳ, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, trong đó có nội dung chỉ đạo việc chuẩn bị văn kiện đại hội của đảng bộ các cấp và những yêu cầu chung về xây dựng nội dung của báo cáo chính trị. Mặc dù vậy, các báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp cũng không hoàn toàn giống nhau, kể cả các báo cáo chính trị của các đảng bộ cùng hệ thống, hoặc cùng địa phương. Tuy nhiên, thông thường, kết cấu, bố cục của báo cáo chính trị thường có các phần nội dung chủ yếu sau đây:

Tiêu đề (chủ đề) của báo cáo chính trị:

Với vai trò, ý nghĩa như đã nêu, tiêu đề của báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp phải bảo đảm các yêu cầu: Vừa có tính khái quát, bao trùm, nhưng vừa phải ngắn gọn, súc tích, sáng rõ và giàu ý nghĩa, nhưng không đa nghĩa; vừa có tính định hướng chính trị, tư tưởng, vừa nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, vừa biểu thị quyết tâm, khẩu hiệu hành động, dễ nhớ, dễ hiểu, thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ:

Trong phần này, báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp phải đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan, đúng đắn về kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nghị quyết của đại hội đảng bộ và nghị quyết của cấp ủy cấp trên, nghị quyết đại hội đảng bộ và nghị quyết của cấp ủy cùng cấp.

Trong đánh giá kết quả đạt được, báo cáo phải chỉ ra được những thành tựu, ưu điểm nổi bật và những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu. Bên cạnh các nhận định, đánh giá kết quả, cần có hệ thống số liệu minh họa cụ thể, chính xác (có thể có phần phụ lục riêng). Những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo cần được chắt lọc, phản ánh, diễn đạt và khái quát lên tầm lý luận, qua đó động viên, khuyến khích tìm tòi, đổi mới, phát triển. Các hạn chế, yếu kém phải được chỉ rõ với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tránh mắc bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, chủ quan, duy ý chí.

Trong đánh giá, báo cáo chính trị cũng phải đề cập đến những vấn đề đang nổi lên, hoặc những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cần phải giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, phải đưa “hơi thở cuộc sống” vào trong báo cáo chính trị, nghị quyết của đại hội đảng. Ở mức độ cao hơn, báo cáo cần đề cập đến những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ lớn mà Đảng ta đã xác định tại Đại hội XII của Đảng, gắn với thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Cùng với việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, gắn với việc thực hiện ba đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII của Đảng đã xác định, báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp lần này cần chú trọng đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Báo cáo chính trị phải chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của cả ưu điểm, thành tựu và hạn chế, yếu kém, trong đó cần đánh giá đúng vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn, báo cáo cần đúc rút những kinh nghiệm thiết thực, trở thành những bài học có giá trị chỉ dẫn cho hoạt động của đảng bộ về sau. Tùy theo đặc điểm, yêu cầu, sau phần đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ, báo cáo chính trị ở một số cấp ủy có thể đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đảng bộ trong một giai đoạn nhất định.

Phần phương hướng, nhiệm vụ:

 Yêu cầu về nội dung của phần này là trên cơ sở dự báo đúng đắn, sát thực tình hình quốc tế, trong nước và địa phương, báo cáo chính trị phải đề ra được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp có cơ sở khoa học, vừa thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo của đảng bộ và nhân dân, vừa có tính khả thi cao. Trong những nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong báo cáo vừa phải có nhiệm vụ và giải pháp mang tính cơ bản, chủ yếu, chiến lược, lâu dài, vừa phải có những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và giải pháp đột phá trên một số lĩnh vực, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực của địa phương.

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo chính trị phải là kết tinh trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới phải bám sát các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo văn kiện đại hội của đảng bộ cấp trên, cũng như điều kiện thực tế địa phương, đơn vị; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, đồng bộ, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

3- Yêu cầu về quy trình xây dựng báo cáo chính trị

Với tính chất, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng và yêu cầu cao về chất lượng nội dung như đã nêu, việc xây dựng báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp phải được thực hiện theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Mặc dù báo cáo chính thức được thảo luận và thông qua tại đại hội đảng bộ các cấp, tuy nhiên, để chuẩn bị cho dự thảo báo cáo có chất lượng cao nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú ý một số yêu cầu về quy trình, nguyên tắc sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, nhất là các tiểu ban văn kiện đại hội đảng bộ các cấp

Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng cần khắc phục tư tưởng chủ quan, cho rằng báo cáo chính trị không phải là vấn đề quan trọng nhất của đại hội, vì cuối cùng đại hội cũng sẽ thảo luận, góp ý và thông qua. Vì thế, nhiều nơi chỉ chú trọng đến công tác nhân sự mà xem nhẹ quá trình chuẩn bị xây dựng báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp.

Để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho việc xây dựng báo cáo chính trị, các cấp ủy đảng phải bám sát Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, sớm triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ nhiệm kỳ. Cùng với việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội, cần chú trọng đầu tư đầy đủ, đúng mức, xứng tầm cho tiểu ban văn kiện cả về mức độ quan tâm, nhân sự và kinh phí. Trưởng tiểu ban văn kiện phải là bí thư cấp ủy hoặc một đồng chí trong thường trực cấp ủy, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu những vấn đề lý luận, thực tiễn, là hạt nhân huy động, tập hợp và phát huy được trí tuệ, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Trong tiểu ban văn kiện, tùy cấp đại hội có thể thành lập các tiểu ban chuyên đề, hoặc tổ giúp việc gắn với các lĩnh vực, các mặt công tác, hoạt động của đảng bộ (như tiểu ban chuyên đề báo cáo phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...). Các thành viên trong tiểu ban văn kiện phải là những người có trình độ, am hiểu lý luận, thực tiễn, có năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham mưu, tổng hợp, đề xuất; đồng thời, có khả năng tổ chức huy động, tập hợp được nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia xây dựng dự thảo báo cáo chính trị cho đại hội đảng bộ.

Để tránh tình trạng phó mặc, “khoán trắng” cho tiểu ban văn kiện, cấp ủy, trực tiếp là thường trực cấp ủy cấp triệu tập đại hội, phải chỉ đạo tiểu ban văn kiện xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể; thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng, hiệu quả hoạt động của tiểu ban văn kiện trong quá trình xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, kịp thời có ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo để tiểu ban hoạt động có hiệu quả và dự thảo báo cáo chính trị đạt chất lượng tốt nhất.

Hai là, xây dựng báo cáo chính trị theo quy trình khoa học 

Là một loại văn kiện chính trị, khoa học, báo cáo trung tâm của đại hội đảng bộ các cấp, nên việc xây dựng dự thảo báo cáo chính trị phải được tiến hành theo quy trình khoa học, từ khâu lập đề cương sơ lược, đề cương chi tiết, kết cấu, bố cục các phần, mục cho đến dự thảo toàn văn và thể thức trình bày văn bản báo cáo. Các bước cần thực hiện là:

Bước 1: Quán triệt sâu sắc Chỉ thị của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp và ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thành lập các tiểu ban giúp việc của đại hội, trong đó có tiểu ban văn kiện, các tiểu ban chuyên đề, tổ giúp việc xây dựng báo cáo chính trị.

Bước 2: Xây dựng đề cương sơ lược, xác định nội dung kết cấu, bố cục các phần, mục của báo cáo chính trị; tổ chức hội thảo, hoặc thảo luận và xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp về đề cương sơ lược.

Bước 3: Xây dựng, tổ chức hội thảo, thảo luận, lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức liên quan, ý kiến cấp ủy về đề cương chi tiết báo cáo chính trị. Dự thảo đề cương chi tiết đã bao gồm: Tiêu đề; nội dung cụ thể các phần, mục; những đánh giá, nhận định khái quát về thành tựu, ưu điểm, hạn chế, yếu kém, kinh nghiệm; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp... Tùy theo yêu cầu, bước này có thể tổ chức góp ý nhiều lần.

Bước 4: Xây dựng dự thảo toàn văn báo cáo chính trị, tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, ý kiến của cấp ủy cấp trên trực tiếp, ý kiến cấp ủy trực thuộc và ý kiến của cán bộ chủ chốt, cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, ý kiến các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của nhân dân... Tùy theo chất lượng ý kiến góp ý, bước này có thể tổ chức góp ý nhiều lần, nhiều lớp, với nhiều loại, nhóm đối tượng khác nhau tham gia góp ý.

Bước 5: Tổng hợp, chắt lọc, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị, thông qua cấp ủy cùng cấp trước khi trình đại hội đảng bộ.

Ba là, phát huy dân chủ, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân

Để thực hiện nghiêm và có hiệu quả yêu cầu này, tùy theo yêu cầu, mức độ cần thiết của từng bước trong quy trình xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, cấp ủy triệu tập đại hội cần chỉ đạo tiểu ban văn kiện tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, các cơ quan, đoàn thể, của cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, chuyên gia và các tầng lớp nhân dân bằng các hình thức thích hợp, hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến góp ý, tiểu ban văn kiện cần trình bày, nêu rõ mục đích, yêu cầu, cơ sở khoa học của các dự thảo nội dung, kết cấu, nhận định, đánh giá, kết quả, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp...; phải thực sự phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, có tinh thần đổi mới, cầu thị, trân trọng tiếp thu những ý kiến góp ý xác đáng, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân ngay trong quá trình xây dựng báo cáo chính trị, nghị quyết của Đảng.

Bốn là, phải dành thời gian thỏa đáng trong đại hội để thảo luận xây dựng báo cáo chính trị

Để nâng cao chất lượng thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện tại đại hội đảng các cấp, đặc biệt là báo cáo chính trị, cấp ủy triệu tập đại hội cần xây dựng chương trình tổ chức đại hội một cách khoa học, sử dụng triệt để, hiệu quả thời gian đại hội theo quy định, trong đó phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu trong thảo luận xây dựng báo cáo chính trị. Đoàn chủ tịch đại hội cần điều hành phần thảo luận bảo đảm dân chủ, có nhiều đại biểu đại diện của nhiều cơ quan, lĩnh vực tham gia góp ý, bàn thảo kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ. Các ý kiến khác nhau cần thảo luận, thậm chí tranh luận, làm rõ cơ sở khoa học, đi đến thống nhất trên tinh thần cầu thị, đoàn kết, xây dựng, vì mục tiêu chung.

***

Năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Với vai trò, ý nghĩa quan trọng tại đại hội đảng bộ các cấp, quá trình xây dựng, thảo luận báo cáo chính trị phải trở thành đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong toàn đảng bộ và nhân dân ở mỗi địa phương cũng như trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Báo cáo chính trị phải là kết tinh trí tuệ của đảng bộ và nhân dân, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tầm nhìn chiến lược, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của đảng bộ các cấp. Sau đại hội, cùng với các văn kiện khác, báo cáo chính trị phải trở thành kim chỉ nam cho hành động, là cơ sở nền tảng, xuất phát điểm cho những chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở địa phương, là cơ sở tạo niềm tin, tạo động lực, sự phấn khởi, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất của toàn đảng bộ và nhân dân ở mỗi địa phương, là cơ sở để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở mỗi cơ quan, đơn vị quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

PGS, TS. DƯƠNG TRUNG Ý
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Lượt xem: 540
Thống kê truy cập
  • 002891071
  •  Đang online: 57
  •  Trong tuần: 11.157
  •  Trong tháng: 55.664
  •  Trong năm: 730.206