Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu trong hệ thống Đảng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh In trang
02/01/2020 06:43 SA

TCCS - Cán bộ tham mưu có một vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày đầu sáng lập Đảng. Kế thừa những tinh hoa và giá trị nhân văn, khoa học, cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tham mưu trong hệ thống Đảng để vận dụng, rèn luyện đội ngũ cán bộ tham mưu của Đảng hiện nay là cần thiết nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII_Ảnh: hcma.vn
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII_Ảnh: hcma.vn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). Người đề ra yêu cầu người cán bộ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn cả về tư cách, đạo đức lẫn phẩm chất, năng lực. Cán bộ phải là người có tư cách trong sáng, gương mẫu; phải có đạo đức cách mạng, tức là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm; đồng thời, phải có năng lực đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cách mạng. Người cán bộ cách mạng cần tích cực rèn luyện, học tập lý luận Mác - Lê-nin; phương pháp, cách thức làm việc hiệu quả, hợp lý; tiếp thu vốn tri thức của dân tộc, nhân loại và nâng cao năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ. Để có được đội ngũ cán bộ nòng cốt có trí tuệ, đạo đức, uy tín, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, coi đây là công việc cốt yếu của Đảng. Người đề ra nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực và yêu cầu của thực tiễn; trọng dụng nhân tài, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc để phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của cán bộ, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Đảng ta là đảng cầm quyền, nên đội ngũ cán bộ tham mưu cho Đảng càng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Có được đội ngũ cán bộ tham mưu tốt, thì năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng sẽ càng được nâng cao. Thực tiễn cho thấy, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở bất cứ ngành, lĩnh vực nào cũng đều cần đến công tác tham mưu. Công tác tham mưu là tham gia đề xuất, thiết kế các kế hoạch, chương trình và xây dựng phương án tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình đó đạt hiệu quả về mặt thực tiễn. Xét cả về chức năng tham dự lẫn chức năng hướng dẫn, tổ chức thực hiện, cơ quan và cán bộ tham mưu đều có thuộc tính lãnh đạo, quản lý và đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực mình tham mưu. Đặc biệt, những đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến của các cơ quan tham mưu chiến lược là cực kỳ quan trọng trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tham mưu là người tư vấn, giúp cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình để có những quyết sách đúng đắn trong hoạt động quản lý, lãnh đạo của mình. Đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc năm 1950, Người đã căn dặn: “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng... cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Cán bộ văn phòng vừa phải thực hiện các công việc giấy tờ, hành chính, vừa giúp việc, tham mưu các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, vừa đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả với cấp trên; là “đầu mối công việc” được ủy quyền “thừa lệnh” trong triển khai, giải quyết nhiều công việc quan trọng. Hiệu quả hoạt động của Văn phòng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động chung của toàn bộ cơ quan, đơn vị...

Để thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ tham mưu cần phải nhạy bén, sáng tạo, chuyên nghiệp trong mọi hoạt động. Là người cung cấp thông tin, tư vấn, thực hiện những công việc quản lý do cấp trên giao, nên cán bộ tham mưu phải có chính kiến, tận tụy và đặc biệt là phải làm việc hết trách nhiệm bằng cái tâm trong sáng, chí công vô tư, không vụ lợi, nể nang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những phẩm chất cần phải có đối với cán bộ tham mưu, như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...

Tham mưu là một công việc khó, đòi hỏi cán bộ làm công tác tham mưu phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Người làm công tác tham mưu không đơn thuần là giúp việc cho lãnh đạo các cấp, mà còn phải là người có bản lĩnh, có năng lực, trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trung thực, thẳng thắn, nghiêm túc, chủ động, độc lập, thích ứng cao trong công việc, luôn cần cù, tỉ mỉ, thận trọng và có tính chuyên nghiệp, nguyên tắc cao; phải là người có khả năng chỉ đạo, điều phối công việc, có khả năng phân tích, tổng hợp và nhạy bén với nhiệm vụ chính trị, có tư duy biện chứng, không định kiến, hẹp hòi, không bảo thủ, cảm tính, vụ lợi; dám đề xuất, dám chịu trách nhiệm...

Bên cạnh cán bộ tham mưu văn phòng, cán bộ tham mưu trong công tác thanh tra, tổ chức, tuyên giáo, dân vận,... cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin, tham mưu cho lãnh đạo trong công tác quản lý, chỉ đạo.

Đối với cán bộ tham mưu thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”(2). Với quan niệm như vậy, Người chỉ ra rằng, hoạt động thanh tra không chỉ giúp cho người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị thấy được kết quả và mức độ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mà còn có thể đánh giá, xem xét những chủ trương, chính sách và pháp luật đề ra có đúng và sát với thực tiễn hay không. Từ kết quả thanh tra, người lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị kịp thời xem xét, điều chỉnh và đưa ra những giải pháp đúng đắn, hiệu quả, sát với thực tiễn trong công tác quản lý, chỉ đạo; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày một tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ thanh tra “chẳng những kiểm tra chống lãng phí, tham ô mà còn phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh để giúp các cơ quan Nhà nước cải tiến công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ, góp phần củng cố bộ máy Nhà nước. Về công tác xét các việc khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, do đó mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn”(3)

Công tác cán bộ là công việc cốt yếu của Đảng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, vì vậy, đội ngũ làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng. Sự tư vấn, tham mưu của những người làm công tác tổ chức sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của lãnh đạo và cả hệ thống tổ chức của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người và ai cũng có công việc, cũng phấn khởi lao động”(4). Qua theo dõi, tổng kết thực tiễn, Người đã phát hiện những trường hợp cán bộ làm công tác tổ chức tham mưu bố trí, sử dụng cán bộ không đúng với tiêu chuẩn, năng lực của cán bộ. Vì thế mới xảy ra tình trạng: “Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”(5). Để giúp lãnh đạo có quyết định sáng suốt, đúng đắn trong công tác điều động, sử dụng cán bộ đòi hỏi đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức phải thông suốt, công minh và tận tâm tận lực, không thiên vị, nể nang, không lấy lòng cấp trên hay vì quyền lợi cá nhân mà làm ảnh hưởng tới tính khách quan của công tác tham mưu. Mỗi cán bộ làm công tác tổ chức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, chính kiến rõ ràng, giữ vững nguyên tắc, cầu thị, lắng nghe, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và đủ sức phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ...

Phẩm chất, bản lĩnh và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác tham mưu tổ chức là nhân tố quan trọng tạo nên chất lượng của bộ máy tham mưu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần “kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc; nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật và đạo đức cách mạng của toàn thể cán bộ và đảng viên”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “bất kỳ chỗ nào, bất kỳ việc gì, Đảng và Chính phủ đã giao thì các cô, các chú phải quyết tâm làm cho trọn, không nên muốn thế này, thế khác”. Đồng thời, theo Người, cán bộ tham mưu “chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”(7).

Người làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ “phải hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ”. Đây là hai vấn đề rất quan trọng trong chính sách cán bộ. Nếu không hiểu biết cán bộ thì người làm công tác tham mưu sẽ không thể đánh giá cán bộ thực chất, không thể tham mưu cho lãnh đạo về công tác tổ chức cán bộ được. Do đó, người làm tham mưu về công tác tổ chức phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, bên cạnh việc phải nắm rõ sở trường, năng lực chuyên môn của cán bộ đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những “chứng bệnh” thường gặp trong vấn đề đánh giá cán bộ của những người làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ, như tự cao, tự đại, ưa nịnh; để tình cảm yêu, ghét cá nhân ảnh hưởng đến công việc của tổ chức; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau; ham dùng người bà con, anh em quen biết... Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, những “chứng bệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong vấn đề đánh giá cán bộ càng đòi hỏi chúng ta cần phải có những giải pháp phòng ngừa, chữa trị đồng bộ, kịp thời để nâng cao chất lượng cán bộ, công tác cán bộ trong hệ thống Đảng.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu trong hệ thống Đảng hiện nay

Ở nước ta, các cơ quan Đảng Trung ương có chức năng tham mưu chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện Cương lĩnh, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch, các chương trình công tác; trong triển khai và kiểm tra thực hiện các quyết định lãnh đạo, quản lý; trong tổ chức quản lý và điều hành, điều phối hoạt động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Công tác tham mưu bao gồm công tác tổ chức, tuyên giáo, dân vận, đối ngoại, nội chính, kinh tế, kiểm tra... Cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp nào, ngành nào thì có tổ chức và cán bộ tham mưu cấp ấy, ngành ấy.


Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã chỉ rõ “hai trọng tâm”, nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Để thực hiện được mục tiêu trên thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có đủ năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Ðảng ta luôn chú trọng xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tham mưu trong hệ thống Đảng. Nhờ đó mà đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu không ngừng được bổ sung, nâng cao chất lượng, thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tham mưu được đa dạng hóa, như đào tạo tập trung, bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo, bồi dưỡng trong nước, ngoài nước... Phương thức, cách thức tham mưu không ngừng được đổi mới, ngày càng khoa học, bài bản hơn. Các chủ trương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định, quy chế của Trung ương đều dựa trên sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc thông qua việc triển khai chuẩn bị các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tham mưu vẫn còn tồn tại một số hạn chế cơ bản, như việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng còn chưa ngang tầm; công tác dự báo tình hình còn nhiều bất cập; việc tham mưu để hoạch định và thực hiện một số chủ trương, giải pháp còn lúng túng; bộ máy tổ chức vẫn chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả; các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các cơ quan đảng có chức năng, nhiệm vụ, hoạt động đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo nên ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động...

Để khắc phục những hạn chế trên và tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tham mưu trong hệ thống Đảng hiện nay, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:

Một là, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác tham mưu và xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu của Đảng; kết hợp có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII với việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”;
nêu cao quyết tâm hành động trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tiếp tục hoàn thiện quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các cấp; đẩy mạnh phân cấp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối, giảm khâu trung gian, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành; tích cực tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng để thiết lập cơ cấu tổ chức, bộ máy tham mưu tương ứng; lấy thực tiễn hoạt động của tổ chức, bộ máy làm cơ sở sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; từ cơ cấu tổ chức, bộ máy tham mưu để quy định vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh cho phù hợp và lấy thực tiễn hoạt động của hệ thống vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ cấu tổ chức, bộ máy.

Việc tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ tham mưu trong hệ thống của Đảng phải dựa trên nguyên tắc thi tuyển với những điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, như có khả năng dự báo; có tính phản biện; khả năng độc lập suy nghĩ, tham mưu; tinh thần trách nhiệm cao; có quá trình làm chuyên môn tham mưu đúng lĩnh vực cần tuyển, liên tục trong thời gian đủ dài để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng; động viên, khuyến khích và tạo chỗ dựa tin cậy để những cán bộ tham mưu tại các cơ quan đảng có tinh thần thẳng thắn, trung thực, tự phê bình và phê bình. Các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi cơ quan, đơn vị phải thật sự là những tấm gương để cấp dưới học tập, noi theo. Bên cạnh việc động viên, phát huy, tôn trọng tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân, phải có biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những vi phạm của cán bộ tham mưu, nhất là những vi phạm về tính tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo mỗi cơ quan, đơn vị.

Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng cần coi trọng, quan tâm hơn nữa tới công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham mưu của Đảng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng quy định của Ðảng, Nhà nước; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan trong hệ thống chính quyền để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các cán bộ và cơ quan chuyên trách tham mưu về công tác tổ chức phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc, quy trình công tác cán bộ của Đảng. Đồng thời, các cơ quan làm công tác tham mưu phải phát huy tính độc lập tương đối trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ; chủ động nghiên cứu các ý kiến đóng góp và dư luận của quần chúng để tham mưu trúng, đúng, kịp thời và hiệu quả; tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị; tích cực, tự giác trong nghiên cứu, học tập nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó./.

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 35
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 503
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 123
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 42 - 43
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 362
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 43

PGS, TS. Nguyễn Xuân Trung
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Lượt xem: 3.186

Thống kê truy cập
  • 002919299
  •  Đang online: 56
  •  Trong tuần: 7.225
  •  Trong tháng: 8.420
  •  Trong năm: 758.434