Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và câu chuyện ở Lâm Đồng (Kỳ 1) In trang
25/10/2019 02:33 CH
Bộ giải mã hành vi…
 
Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về “Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền”. Đây được coi là “cái lồng cơ chế để nhốt quyền lực”, điều mà 4 năm trước Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại kỳ họp thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời là “bộ giải mã” chỉ rõ những hành vi chạy chức, chạy quyền.

Hình có tính chất minh họa (dangcongsan.vn)
Hình có tính chất minh họa (dangcongsan.vn)

Từ căn bệnh quyền lực...
 
Hiến pháp nước ta quy định: Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, mọi quyền lực thuộc về Nhân dân. Đảng ta luôn khẳng định như vậy! Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng, dù ở vị trí nào cũng đều nhận thức sâu sắc điều đó.
 
Thế nhưng, trong thực tiễn nhận thức và hành động chưa song hành, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã không kiểm soát được lòng tham, biến chức quyền thành công cụ vụ lợi cá nhân. Vì thế, mới có chuyện “chạy chức, chạy quyền”. 
 
Có thể nói, “chạy chức, chạy quyền” là nguy hiểm nhất trong các loại chạy, bởi khi “chạy” được chức quyền thì họ sẽ dùng chính thứ chức quyền đã “chạy” để thu lại khoản tiền mà họ đã bỏ ra và sẽ thu thêm những khoản lãi từ lợi dụng chức quyền. 
 
Từ chạy chức, chạy quyền họ sẽ tạo ra bè cánh, phe nhóm lợi ích; “chạy” cho người nhà, người thân, người tình; hình thành các đường dây “thân quen” để chạy cho người khác. 
 
Chạy chức, chạy quyền để lại những hệ lụy lâu dài về tư tưởng, về sự bất công, làm thui chột hiền tài như Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa từ năm 2010 đã cảnh báo: “Những người có phẩm chất, năng lực nhưng không chịu chạy sẽ không được đề bạt, bổ nhiệm. Còn những kẻ kém tài, kém đức nhưng khéo chạy, biết cách chạy có thể sẽ dễ dàng leo lên các thang bậc của quyền lực”. 
 
Tại diễn đàn Quốc hội có vị đại biểu đã thẳng thắn: “Đầu tư chức, quyền là loại đầu tư siêu lợi nhuận”. Không khó để lý giải: “Chức sinh ra quyền, quyền sinh ra tiền rồi tiền lại sinh ra chức”. Nói cách khác, quyền lực sinh ra tiền, tiền làm nên quyền lực. Tiền và quyền lực luôn vận động tương hỗ trong một vòng xoáy bất tận. Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đã từng khẩn thiết tại diễn đàn Quốc hội: “Cần xem lại việc chạy chức, chạy quyền, đó không chỉ là chỗ tham nhũng lớn mà còn là nơi “đẻ” ra tham nhũng, vì khi đã bỏ tiền “chạy”, đầu tư ban đầu thì người đầu tư sau đó ắt phải vơ vét để bù lại”. Điều đó khẳng định: “Tham nhũng quyền lực” là sự tha hóa quyền lực, là “cha đẻ” của nhiều loại tham nhũng, tiêu cực khác. Không lý lẽ nào bác bỏ sự thẳng thừng ấy, nó được hiểu như một sự thật hiển nhiên và câu chuyện chạy chức, chạy quyền được bắt đầu từ công tác quy hoạch nhân sự.
 
Muốn có chức thì trước hết phải được quy hoạch; muốn được quy hoạch thì phải “chạy”. Vào quy hoạch rồi lại “chạy” để giữ quy hoạch, đến thời điểm bổ nhiệm lại phải “chạy”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng đặt câu hỏi: “Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen “cánh hẩu”, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”. Rõ ràng, việc “chạy chức, chạy quyền”, tệ tham nhũng đã chi phối nhiều khâu trong công tác cán bộ, từ lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đến quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, bổ nhiệm”.
 
Lâu nay, Đảng chưa kỷ luật một ai, luật pháp cũng chưa xét xử một vụ việc nào về mua bán chức quyền. Tại sao? Vì mua quan, bán chức là “lai vô ảnh, khứ vô hình”. Người chạy (mua) không bao giờ khoe rằng mình đã chạy, còn người được chạy (bán) chẳng huênh hoang rằng họ đã bán. Rõ ràng, câu chuyện “chạy chức, chạy quyền”, biết mà không thể diệt, vì chưa cụ thể hóa thế nào là hành vi chạy chức, chạy quyền. Bổ nhiệm người nhà, người thân dù thấy rõ nhưng không thể cản ngăn vì chẳng có quy định nào nghiêm cấm. Thế nên, mới có chuyện lãnh đạo nhiều hơn nhân viên; thậm chí có cơ quan toàn là lãnh đạo và nhiều câu chuyện bi hài khác trong công tác cán bộ như cả nhà làm quan, cả họ làm quan; và mới đây nhất có chuyện “thật như đùa” về một nữ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk - bà Trần Thị Ngọc Thảo, sinh năm 1975, xuất thân từ nghề thợ cắt tóc, gội đầu, chưa học hết cấp 3, gian dối mượn bằng tốt nghiệp của người khác, học trung cấp, học liên thông lên đại học rồi thạc sĩ… bà được kết nạp Đảng, thăng tiến từ kế toán lên kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy (2005 - 2009), sau đó từ 2016 - 2019, bà được bổ nhiệm phó phòng rồi tiếp tục thăng tiến lên vị trí Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Nếu không có sự giám sát của Nhân dân, không có đơn tố cáo thì ai mà biết con người gian dối này sẽ còn leo cao, chui sâu như thế nào. 
 
Hay như câu chuyện ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2016 - 2017, huyện này bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 51 trường hợp không có tên trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó 7 trường hợp chưa có trình độ đại học, nhưng vẫn được “cất nhắc” bổ nhiệm và bổ nhiệm lại vào vị trí cấp trưởng, phó các đơn vị trực thuộc…
 
Chạy chức, chạy quyền - oan thay cho những người đi lên bằng chính cái tâm, cái tầm, năng lực của mình nhưng lại bị người đời dè bỉu: “Chức đó do mua mà có”; Đảng cũng phải chịu nhiều oan tiếng là dung túng bao che; các thế lực thù địch thì lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, chống phá chế độ. Vì vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 ngày 23/9/2019 được coi là bộ giải mã để thực thi “Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền”; giải oan cho người tốt, chặn đường kẻ xấu trong “canh bạc” chức quyền. Quy định này của Bộ Chính trị đã được Nhân dân cả nước và đông đảo những người liêm chính, công chức, viên chức, người lao động hoan nghênh, đồng lòng ủng hộ.
 
Đến phương thuốc đặc trị
 
Nếu trước đây, người ta vin vào lý do là không có cơ sở nào để làm rõ hành vi chạy chức, chạy quyền, thì nay Quy định 205 của Bộ Chính trị đã xác định rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền, trong đó bao gồm những điều cơ bản mà bất cứ ai cũng nhìn thấy và nhận diện. Đó là: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan, nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người...
 
Đặc biệt, Quy định 205 cũng chỉ rõ các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Đó là: Biết có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình...
 
Đối với việc bổ nhiệm người nhà, nếu trước đây chưa có văn bản chỉ rõ những hành vi, đối tượng, vị trí bổ nhiệm thì nay Quy định 205 đã quy định: Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
 
Bằng việc nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che cho chạy chức, chạy quyền, Quy định 205 của Bộ Chính trị cũng quy định các hình thức xử lý tùy theo mức độ vi phạm cũng như các hành vi tiếp tay, vô cảm và bao che cho chạy chức, chạy quyền, trong đó có cả truy tố trước pháp luật.
 
Như vậy, hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che cho chạy chức, chạy quyền; lợi dụng quyền lực bố trí người nhà vào những vị trí chức quyền đã được Quy định 205 của Bộ Chính trị giải mã bằng các biểu hiện mà trước đây dẫu biết cũng không có cơ sở để xử lý. 
 
Quy định 205 được coi là một trong những phương thuốc đặc trị đúng lúc khi mà sự lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng trong công tác cán bộ đã phát triển thành “khối u” trong đời sống chính trị và chuyện chạy chức, chạy quyền đang lan rộng thành căn bệnh xã hội. Quy định ra đời trúng thời điểm vì đây là khoảng thời gian khá “nhạy” cho việc “chạy” khi mà công tác nhân sự cho Đại hội Đảng đang trong thời gian chuẩn bị. Đặc biệt, Quy định 205 của Bộ Chính trị cũng chính thức trao cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quyền giám sát, trách nhiệm giám sát. Là cơ sở để cơ quan chức trách thực hiện kiểm tra công tác cán bộ. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện như thế nào, cách làm và sự quyết liệt ra sao để Quy định 205 thực sự đi vào đời sống chính trị, xã hội.
 
Kỳ 2: Mô hình “một không” và ý tưởng cạnh tranh “hai bước”
 
VĂN TÒA (nguồn http://baolamdong.vn)
Lượt xem: 791

Thống kê truy cập
  • 002395436
  •  Đang online: 16
  •  Trong tuần: 12.701
  •  Trong tháng: 42.121
  •  Trong năm: 234.571