Trong năm nay, Lâm Đồng sẽ tiến hành sắp xếp sáp nhập và đổi tên một số thôn, tổ dân phố trên địa bàn, giảm 165 thôn, tổ dân phố tại 12 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Tại bộ phận một cửa Phường 3, Đà Lạt - đơn vị dẫn đầu về giải quyết thủ tục hành chính của thành phố Đà Lạt
Trên 123,1 tỷ đồng phụ cấp mỗi năm
Theo ngành chức năng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có tổng cộng 1.541 thôn, tổ dân phố; trong đó có 978 thôn, 563 tổ dân phố.
Tại các thôn, tổ dân phố này hiện đang bố trí 3 chức danh: Bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; Trưởng thôn hay Tổ trưởng dân phố và Trưởng ban công tác Mặt trận thôn hay tổ dân phố. Ngoài ra, tùy theo quy mô của thôn - tổ dân phố để bố trí thêm từ 1-2 công an viên, thôn đội trưởng hay tổ đội trưởng, bảo vệ tổ dân phố, nhân viên y tế thôn bản.
Thống kê cho biết, toàn tỉnh hiện có 10.240 người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố, trong đó có 320 người kiêm nhiệm. Cụ thể, có 1.540 người là Bí thư Chi bộ thôn hay tổ dân phố, trong đó có 194 người là cán bộ công chức hay cán bộ không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm; có 1.541 Trưởng thôn hay Tổ trưởng Tổ dân phố, trong đó có 60 trường hợp kiêm nhiệm, thông thường là Bí thư Chi bộ kiêm nhiệm hay cán bộ công chức cấp xã kiêm nhiệm; có 1.541 Trưởng ban công tác Mặt trận thôn hay tổ dân phố, trong đó có 66 người kiêm nhiệm; có 1.450 người là thôn đội trưởng hay tổ đội trưởng; có 1.512 công an viên; có 1.678 bảo vệ tổ dân phố và có 978 nhân viên y tế thôn, bản.
Cũng cần biết rằng Lâm Đồng lâu nay vẫn có không ít các thôn, tổ dân phố có quy mô hộ gia đình ít hơn so với quy định hiện hành. Cụ thể, trong tổng số thôn tổ dân phố trên, có 939 thôn, tổ dân phố có quy mô gia đình ít hơn theo yêu cầu quy định.
Hiện trong tổng số 1.541 thôn, tổ dân phố trên, đã có 1.260 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Theo ngành chức năng, tổng ngân sách phải chi cho các hoạt động ở thôn, tổ dân phố mỗi năm hiện nay trên 154,1tỷ đồng, trong đó riêng chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách là trên 123,1 tỷ đồng, số tiền còn lại dành cho các hoạt động khác tại cộng đồng.
Những yêu cầu
Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố, như đánh giá của tỉnh, có thể phát sinh những vấn đề gây khó khăn cho người dân như thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ nhà cửa đất đai liên quan, đồng thời các thôn, tổ dân phố cũng buộc phải thay đổi, điều chỉnh các qui ước, hương ước tại thôn, xóm, tổ dân phố vốn đã có lâu nay.
Tuy nhiên, việc sắp xếp, sáp nhập các thôn và tổ dân phố có quy mô số gia đình ít hơn theo quy định hiện hành sẽ góp phần không nhỏ trong việc tinh gọn, giảm số người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Cụ thể, việc sắp xếp sáp nhập thôn, tổ dân phố sẽ góp phần thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường sá giao thông nông thôn và trong khu dân cư; tiết kiệm được quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng mới cũng như mua sắm trang thiết bị cho các nhà sinh hoạt cộng đồng hiện nay.
Theo tính toán của tỉnh, việc chi ngân sách bình quân mỗi năm đối với mỗi thôn, tổ dân phố sẽ giảm khoảng trên 100 triệu đồng, trong đó giảm chi ngân sách cho người hoạt động không chuyên trách trên 79 triệu đồng và số tiền còn lại là phần giảm trong chi hoạt động. Chỉ riêng số lượng người hoạt động không chuyên trách cũng giảm bình quân mỗi thôn, tổ dân phố 7 người.
Mục tiêu trước mắt của Lâm Đồng trong năm nay sẽ sắp xếp sáp nhập các thôn, tổ dân phố liền kề nhau có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định. Nguyên tắc tỉnh đưa ra là ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một thôn hay tổ dân phố không đạt tiêu chuẩn vào một thôn hay tổ dân phố khác, nhất là theo lịch sử chia tách trước đây.
Tỉnh cũng yêu cầu trong sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố các địa phương cần chú ý đến các yếu tố như đặc điểm truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc... của mỗi địa phương, đảm bảo thuận lợi trong sinh hoạt, đời sống, sản xuất của người dân.
Tỉnh cũng khuyến khích các thôn, tổ dân phố tuy đủ quy mô số hộ gia đình theo quy định nhưng có điều kiện thuận lợi cũng nên sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới lớn hơn.
Giảm 165 thôn, tổ dân phố
Căn cứ phương án từ các địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã rà soát lại và đưa ra “Đề án triển khai thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, sau đó Đề án này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua. Theo đó, trong năm 2020 này, tỉnh sẽ sắp xếp, sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để thành lập mới 153 thôn, tổ dân phố.
Cụ thể, thành phố Đà Lạt sẽ sắp xếp sáp nhập 78 tổ dân phố để thành lập 33 tổ dân phố mới; Bảo Lộc sắp xếp, sáp nhập 3 thôn để thành lập 2 thôn mới; Lạc Dương sáp nhập 2 tổ dân phố để thành lập 1 tổ dân phố mới; Đơn Dương sắp xếp sáp nhập 4 thôn để thành lập 3 thôn mới; Đức Trọng sáp nhập 22 thôn, tổ dân phố để thành lập 9 thôn, tổ dân phố mới; Lâm Hà sắp xếp, sáp nhập 26 thôn để thành lập 15 thôn, tổ dân phố mới; Đam Rông sáp nhập 6 thôn để thành lập 3 thôn mới; Di Linh sắp xếp sáp nhập 48 thôn để thành lập 24 thôn mới; Bảo Lâm sáp nhập 15 thôn tổ dân phố để thành lập 7 thôn, tổ dân phố mới; Đạ Huoai sắp xếp sáp nhập 14 thôn để thành lập 7 thôn mới; Đạ Tẻh sắp xếp, sáp nhập 61 thôn, tổ dân phố để thành lập 32 thôn, tổ dân phố mới và huyện Cát Tiên sắp xếp, sáp nhập 39 thôn để thành lập 17 thôn, tổ dân phố mới.
Sau khi sắp xếp, sáp nhập tỉnh sẽ còn 1.376 thôn, tổ dân phố, giảm 165 thôn, tổ dân phố so với trước đó. Cũng trong dịp này, tỉnh đổi tên của 12 thôn thuộc các xã trong tỉnh.
Để việc sắp xếp, sáp nhập diễn ra thuận lợi, tỉnh yêu cầu các huyện, thành trong tỉnh hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố cho từng trường hợp cụ thể, chú ý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan như thay đổi số nhà, giấy tờ... sau khi sáp nhập thành lập mới thôn, tổ dân phố.
VIẾT TRỌNG