Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Quy định 145-QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập Nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp In trang
09/06/2024 04:49 CH

Một số điểm mới trong quy định về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Quy định 164; ngày 10/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 145-QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thay cho Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị. Quy định số 145 gồm có 09 điều. So với Quy định số 164, Quy định số 145 có nhiều điểm mới về đối tượng áp dụng, mục đích, yêu cầu, thời gian, hình thức bồi dưỡng, quy định về báo cáo viên, nội dung bồi dưỡng và phân cấp bồi dưỡng, cụ thể như sau:

1. Đối tượng áp dụng

 Quy định 164 phân đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý thành 04 nhóm (Nhóm 1: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhóm 2: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (ngoài nhóm 1). Nhóm 3: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý. Nhóm 4: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý), Quy định 145 hiện nay phân đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý thành 03 nhóm để tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức (Nhóm 1: Lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhóm 2: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nhóm 3: Cán bộ thuộc diện cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý).

          2. Mục đích, yêu cầu

Về mục đích, yêu cầu của việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, so với Quy định 164, Quy định 145 hiện nay đã xác định cụ thể và rõ ràng hơn, theo đó bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm góp phần nâng cao năng lực, tư duy, tầm nhìn, chất lượng, hiệu quả công tác và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng là chế độ bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; là một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ và cấp uỷ, tổ chức đảng. Việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

          3. Thời gian và hình thức bồi dưỡng

 Quy định 164 quy định thời gian bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ 5 đến 7 ngày/năm, chưa xác định cụ thể hình thức bồi dưỡng. Quy định 145 đã xác định rõ thời gian và thẩm quyết quyết định thời gian bồi dưỡng đối với từng nhóm đối tượng. Nhóm 1: Thời gian cụ thể do Bộ Chính trị quyết định. Nhóm 2: Ít nhất 5 ngày/nhiệm kỳ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định. Nhóm 3: Ít nhất 7 ngày/nhiệm kỳ do cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ quyết định; đã xác định cụ thể hình thức tổ chức bồi dưỡng gồm trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến.

          4. Nội dung bồi dưỡng

Quy định 145 đã định hướng rõ 04 nội dung bồi dưỡng, gồm: (1) Kết quả tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về quan điểm, đường lối của Đảng và những kiến thức góp phần nâng cao năng lực, tư duy, tầm nhìn, kinh nghiệm, kỹ năng về khoa học lãnh đạo, quản trị, quản lý; về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. (2) Nội dung mới được ban hành trong các nghị quyết, văn bản của Đảng gắn với đường lối, chủ trương, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở từng cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương. (3) Tình hình thế giới, khu vực, trong nước và địa phương. (4) Kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến; kinh nghiệm xử lý vấn đề phức tạp phát sinh trong công tác lãnh đạo, quản trị, quản lý. Quy định 145 đã xác định trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc cụ thể hoá, định hướng nội dung bồi dưỡng phù hợp thành các chuyên đề bồi dưỡng cho đối tượng tham gia.

          5. Bổ sung quy định về Báo cáo viên

Quy định 145 đã xác định Báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (đương chức và nguyên chức); nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng trình bày chuyên đề. Báo cáo viên nước ngoài có uy tín, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với chương trình bồi dưỡng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

          6. Phân cấp bồi dưỡng gắn với quy định trách nhiệm 

Quy định 145 đã quy định cụ thể về phân cấp bồi dưỡng gắn với quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, đối với bồi dưỡng cho cán bộ thuộc nhóm 1, nhóm 2, Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hằng năm và chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; Ban Tuyên giáo Trung ương chịu trách nhiệm định hướng về nội dung bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng và phối hợp thẩm định nội dung, phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hằng năm. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hằng năm; chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nội dung và đề xuất báo cáo viên. Đối với bồi dưỡng cho cán bộ thuộc nhóm 3, Quy định 165 đã xác định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan Trung ương và trách nhiệm của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc cụ thể hoá, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lựa chọn nội dung, chuyên đề và tổ chức triển khai thực hiện bồi dưỡng đối với cán bộ thuộc quyền quản lý; chỉ đạo ban tổ chức cấp uỷ cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan, trường chính trị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, thẩm định nội dung, chương trình bồi dưỡng và tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng theo thẩm quyền; chỉ đạo ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện, các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh phối hợp với trường chính trị cấp tỉnh và các cơ sở đào tạo có liên quan khác tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền.

          Với việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 145, hy vọng rằng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.

Lượt xem: 185

Thống kê truy cập
  • 002889846
  •  Đang online: 96
  •  Trong tuần: 9.932
  •  Trong tháng: 54.439
  •  Trong năm: 728.981