Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và câu chuyện ở Lâm Đồng (Kỳ 2) In trang
28/10/2019 07:08 SA
Mô hình “một không” và ý tưởng cạnh tranh “hai bước”
 
Lâm Đồng là tỉnh “hội tụ” người dân nhiều vùng miền trong cả nước. Trước giải phóng, vùng đất này là nơi sinh sống của một số cư dân đất Bắc và các tỉnh miền Trung. Sau ngày giải phóng, Lâm Đồng là vùng “đất lành”, thu hút cư dân mọi miền đất nước đến lập nghiệp. Cán bộ Đảng, Nhà nước cũng được tăng cường, giúp Lâm Đồng phát triển. Từ đó, Lâm Đồng trở thành một tỉnh khá đặc biệt về “gốc gác” của cán bộ, công chức, viên chức so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. 
 
Sự “khác biệt” đó, đòi hỏi Lâm Đồng phải hết sức công tâm trong công tác cán bộ, nếu không sẽ dẫn tới “chủ nghĩa vùng miền”; “chủ nghĩa bảo hộ thân cận” và “chủ nghĩa địa giới”, hình thành các phe phái tương ứng… Chuyện chạy chức, chạy quyền cũng sẽ khó mà tránh khỏi.
 
Dù chưa ai khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức trách cũng chưa phát hiện vụ chạy chức, chạy quyền nào, nhưng không có nghĩa Lâm Đồng đã “miễn nhiễm” đối với vấn nạn này. 

Hội đồng thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Ảnh: baolamdong.vn
Hội đồng thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Ảnh: baolamdong.vn

Thí điểm mô hình “một không”
 
Nhận thức rõ những hệ lụy của công tác quy hoạch, bổ nhiệm nếu thiếu công khai, minh bạch, thời gian qua, Lâm Đồng đã áp dụng giải pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ngoài việc sáp nhập, giảm bớt các phòng, ban trong khối cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết 18 và 19 của Ban Chấp hành TW Đảng, Lâm Đồng quyết liệt thí điểm mô hình “một không” - không lãnh đạo cấp phòng, thực hiện chế độ chuyên viên trực tiếp ở một số cơ quan, đơn vị gồm: Khối Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Tỉnh Đoàn; Khối Văn phòng Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Bước đầu mô hình này đã tạo được sự lan tỏa.
 
Thừa nhận rằng, chúng ta đã duy trì quá lâu mô hình bộ máy cơ quan, đơn vị có thứ bậc: Chuyên viên - phó phòng - trưởng phòng - cấp phó - cấp trưởng các sở, ngành... Những nấc thang địa vị của sự nghiệp chính trị, đồng thời cũng là danh phận xã hội này đã bám rễ, trở thành “mặc định” trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và cả đời sống xã hội, vì thế thí điểm mô hình “không lãnh đạo cấp phòng” dễ gì ngay lập tức nhận được sự đồng thuận cao. 
 
“Cái mới ra đời, bao giờ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại, thậm chí là phản ứng. Nếu sợ khó, sợ phản ứng mà không làm thì làm sao có cái mới” - Đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy
 
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là đơn vị tiên phong, không bố trí chức danh lãnh đạo phòng, thực hiện chế độ chuyên viên, phân công các đồng chí lãnh đạo Ban phụ trách từng phòng, 8 cán bộ lãnh đạo, quản lý phòng trước đây được bố trí về vị trí chuyên viên. 
 
Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng Trần Thị Chúc Quỳnh cho hay: “Tỉnh Đoàn Lâm Đồng giảm từ 6 ban xuống còn 3 ban; chúng tôi thực hiện mô hình chuyên viên trực tiếp, không bố trí chức danh trưởng ban, phó ban như trước mà thay vào đó, các đồng chí Thường trực Tỉnh Đoàn phụ trách các ban và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách từng mảng công việc. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đánh giá mô hình chuyên viên trực tiếp rất trôi chảy và thông suốt công việc, chúng tôi cũng đã giảm được khâu quy hoạch các phó, trưởng ban văn phòng”.
 
Ban Dân vận là đơn vị khá mạnh tay khi xóa bỏ cấp phòng, thực hiện chế độ chuyên viên đảm nhiệm từng mảng công việc. Lãnh đạo Ban Dân vận nói rằng rất trăn trở khi thực hiện mô hình này, nhưng vì cái chung cần phải quyết đoán. Và chỉ sau một thời gian ngắn, hoạt động của Ban đã đi vào nề nếp, công việc thực hiện khá trôi chảy và rất khoa học.  
 
Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình “một không” có làm ảnh hưởng đến tâm trạng, tư tưởng của những cán bộ đã từng giữ cương vị trưởng, phó phòng? Một trưởng phòng lâu năm nay xuống làm chuyên viên đang công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bộc bạch: “Nói không có tư tưởng gì thì không đúng, vì để được bổ nhiệm vị trí phó rồi trưởng phòng, chúng tôi phải trải qua một thời gian dài phấn đấu. Nhưng thật lòng mà nói, việc thực hiện mô hình “không lãnh đạo cấp phòng”, thực hiện chuyên viên trực tiếp có nhiều cái hay, thậm chí còn là sự văn minh, tiến bộ. 
 
Vậy liệu mô hình “không lãnh đạo cấp phòng” có triệt tiêu sự phấn đấu của đội ngũ chuyên viên??? Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Hiệp khẳng định: “Mô hình này hoàn toàn không bít đường phấn đấu phát triển, vì tất cả các chuyên viên đều được rộng đường quy hoạch, bổ nhiệm ở vị trí cao hơn mà không phải xếp hàng theo thứ tự như trước và cũng không còn chuyện “công thần, ỷ lại, sống lâu lên lão làng”. Chuyên viên nào vượt trội về phẩm chất, đạo đức, năng lực thì sẽ được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo của cơ quan, đơn vị”. 
 
Cần tổ chức cạnh tranh “hai bước”
 
Để chọn người thực sự có đức, có năng lực và triệt tiêu đường chạy, thời gian qua Lâm Đồng đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở. Đây được coi là một bước tiến đáng mừng trong công tác tuyển chọn cán bộ. Tuy nhiên, để phát huy đầy đủ tính dân chủ, Lâm Đồng cần thí điểm “cạnh tranh năng lực” ngay từ công tác quy hoạch; có thể hiểu như thi tuyển vào “quy hoạch cán bộ”. Cái khác ở đây là thay vì tập thể đơn vị chỉ nghe giới thiệu nhân sự rồi bỏ phiếu tín nhiệm, thì những người dự kiến đưa vào quy hoạch phải thể hiện năng lực đối với vị trí quy hoạch bằng cách trình bày chương trình hành động, thể hiện sự hiểu biết và tầm kiến thức của mình về chính trị, chuyên môn, kỹ năng quản lý, điều hành… trước tập thể; trả lời những câu hỏi do tập thể đặt ra và thậm chí phải giải đáp, tranh luận, sau đó tập thể tiến hành bỏ phiếu kín tín nhiệm; tiếp theo đó là thực hiện các bước theo quy trình quy hoạch cán bộ. Đây được gọi là cạnh tranh bước một.
 
Trong thời gian quy hoạch, người được quy hoạch phải chịu sự giám sát của tập thể; nếu không giữ được phẩm chất đạo đức, không có thành tích cụ thể, không thể hiện được năng lực vượt trội và khả năng phát triển thì sẽ bị loại khỏi quy hoạch. Trước khi tiến hành bổ nhiệm, một lần nữa những người có trong quy hoạch phải cạnh tranh công bằng về năng lực lãnh đạo, khả năng chuyên môn và phẩm chất đạo đức thông qua chương trình hành động. Trên cơ sở đó, tập thể tiếp tục đánh giá, bỏ phiếu kín tín nhiệm, coi như tham gia một bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn người lãnh đạo cho mình. Đây là cạnh tranh bước hai, bước quyết định.
 
Nhận diện tính tích cực và khả thi
 
Thứ nhất: Khi đã bỏ lãnh đạo cấp phòng thì không còn phải quy hoạch cán bộ, quản lý cấp phòng và như vậy sẽ không còn “cửa” chạy cho nấc thang đầu tiên của cuộc đua chen quyền lực. Bỏ một cấp quy hoạch, nghĩa là bỏ một bước chạy, một cấp chạy. Nếu lấy con số gần 1.000 cơ quan chuyên môn, hành chính của Đảng, chính quyền, đơn vị sự nghiệp công lập và khối Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh để làm thước đo, thì số lượng cấp phòng và tương đương (hiểu là cửa chạy, người chạy) không hề nhỏ. 
 
Thứ hai: Nếu tổ chức thực hiện việc cạnh tranh “hai bước” thì một cán bộ lãnh đạo đơn vị từ lúc tiến hành quy hoạch đến khi bổ nhiệm, chí ít phải trải qua 2 lần cạnh tranh năng lực. Tài năng lãnh đạo, quản lý sẽ bộc lộ qua sự cạnh tranh đó. Người muốn “chạy” cũng không thể “chạy”. Người không cần “chạy” vẫn được bổ nhiệm tương xứng với năng lực vượt trội của mình.
 
Thứ ba: Thể hiện rõ sự công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, để quần chúng được tham gia góp phần chọn đúng người có đủ tâm, đủ tầm đảm nhiệm vai trò, trọng trách của cơ quan, đơn vị, khắc phục tình trạng nịnh nọt, dấm dúi, thỏa hiệp, bổ nhiệm theo kiểu: Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, mệnh lệnh… Thực sự trao quyền giám sát công tác cán bộ cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị theo tinh thần Quy định 205 của Bộ Chính trị. 
 
Thứ tư: Giảm quyền lực, tránh tình trạng lạm quyền, lộng quyền của người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; triệt để phát huy dân chủ, tạo công bằng, tối ưu hóa việc lựa chọn người có đức, có tài, góp phần tránh tình trạng “chảy máu chất xám” và những tiếng xấu trong dư luận về công tác cán bộ.
 
Thứ năm: Bịt kín các con đường dẫn tới chạy chức, chạy quyền: Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy. Triệt phá một trong những trọng điểm về công tác cán bộ mà lâu nay các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để xuyên tạc, vu khống chống phá Đảng, Nhà nước.
 
Thứ sáu: Xóa bỏ nếp nghĩ: “Công thần, ỷ lại”; “Sống lâu lên lão làng”; thay đổi tư duy “xếp hàng chờ thời” theo thứ tự đã “ăn sâu, bám rễ” trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, không còn phù hợp trong thời hội nhập, phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với kỷ nguyên số và công nghệ thông minh.
 
Lời kết:
 
Việc thí điểm mô hình “một không”, nếu được kết hợp cùng cạnh tranh năng lực “hai bước” thì đó sẽ là sự khởi đầu sáng tạo, mạnh mẽ, quyết liệt của Lâm Đồng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng; là giải pháp căn cơ để Lâm Đồng tăng cường kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền như Quy định 205 của Bộ Chính trị đã đề ra. Mô hình đó, cách làm đó sẽ mở rộng cửa “chiêu hiền đãi sĩ” trọng dụng thực tài như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Nhân tài dù ở bìa rừng, góc núi cũng phải phát hiện và trân trọng”; “Muốn đất nước phát triển bền vững phải lấy giáo dục làm đầu, nhân tài làm gốc”; và xứng đáng với lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”.
 
Thực hiện mô hình “một không” và cạnh tranh “hai bước” cũng có nghĩa là Lâm Đồng đã vận dụng và từng bước thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Phải vì công tác, vì tài năng… Tránh: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”. 
 
Hy vọng rằng, Lâm Đồng sẽ nhân rộng và sẽ có lộ trình thực hiện bài bản ở phạm vi rộng hơn; tích cực, chủ động và sáng tạo đưa các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng cũng như Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền” thực sự đi vào đời sống.
 
VĂN TÒA (nguồn http://baolamdong.vn/)
Lượt xem: 495

Thống kê truy cập
  • 002393420
  •  Đang online: 20
  •  Trong tuần: 10.685
  •  Trong tháng: 40.105
  •  Trong năm: 232.555