Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Lâm Đồng: Tinh và hiệu quả (Kỳ 1) In trang
28/12/2021 10:27 SA

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại các địa phương trong tỉnh góp phần tinh gọn hệ thống đơn vị hành chính theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ đó, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giảm số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng như số lượng người làm việc trong các cơ quan, đơn vị. Qua đó, giảm chi ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực để tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và tăng nguồn lực đầu tư để phát triển đất nước.

 

Kỳ 1: Thí điểm thành công tại 3 huyện phía Nam

 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng (Đoàn ĐBQH) vừa triển khai thực hiện giám sát trên địa bàn tỉnh và một số huyện nhằm xem xét, đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện kết quả tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với UBND 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên về nội dung quan trọng nêu trên. 

Khu Trung tâm hành chính huyện - một góc đô thị thị trấn Cát Tiên nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Khu Trung tâm hành chính huyện - một góc đô thị thị trấn Cát Tiên nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Đạ Huoai là huyện miền núi, có diện tích tự nhiên là 495,5591 km2, dân số là 33.998 người. Trước khi sáp nhập, toàn huyện có 2 thị trấn và 8 xã. Sau khi sáp nhập xã Đạ M’ri vào thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 thị trấn và 7 xã. 

 

Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Lưu Tiến Chinh cho rằng: Việc tiến hành về cơ bản là thuận lợi, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương với quyết tâm cao; khẩn trương vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đạt sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. 

 

Theo Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, quá trình sắp xếp, tinh gọn còn gặp một số khó khăn như: Công tác sắp xếp đơn vị hành chính liên quan đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nên không thể tránh khỏi tâm tư, suy nghĩ; nhất là xây dựng chế độ, chính sách đồng bộ cho đối tượng dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính. Bộ ngành Trung ương ban hành quy định, hướng dẫn có nội dung còn chưa kịp thời (như xây dựng Đề án sáp nhập; quy trình, mẫu biểu; lập kinh phí thực hiện; chế độ, chính sách dôi dư,...); trong khi đó yêu cầu về tiến độ thực hiện tập trung chủ yếu trong năm 2019 nên không tránh khỏi có lúc lúng túng, chậm tiến độ tại một số khâu công việc...

 

Kết quả nổi bật, sau khi thực hiện sắp xếp xã Đạ M’ri vào thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai đã giảm được 1 đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời tương ứng giảm 1 tổ chức Đảng, 2 tổ chức chính quyền, 5 tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã; giảm 2 đơn vị sự nghiệp giáo dục và 1 Trạm y tế cấp xã đảm bảo đúng Đề án đề ra.

 

Cũng qua thực hiện sáp nhập, huyện Đạ Huoai giảm 20 biên chế cán bộ, công chức cấp xã (tương ứng 9,9%), giảm 2 đơn vị sự nghiệp (tương ứng 5,9% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập năm 2015) và 9 người làm việc (tương ứng 1,19% số lượng người làm việc năm 2015). Tính chung đến năm 2021, huyện Đạ Huoai đã giảm được 4/34 số lượng đơn vị sự nghiệp công lập (tương ứng 11,76%), 10% số lượng người làm việc đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy giai đoạn 2015-2021. 

 

Tại huyện Đạ Tẻh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Đinh Viết Bảo cho rằng:UBND huyện tiến hành rà soát số liệu, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, qua rà soát có 2 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định gồm xã Hương Lâm và xã Hà Đông. Về cơ bản huyện cũng có thuận lợi: Xã Hương Lâm và xã Đạ Lây dân số chủ yếu là người dân Thừa Thiên Huế đến lập nghiệp theo kế hoạch di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới của nhà nước từ năm 1977 đến năm 1986. Người dân hai xã Hà Đông và xã Mỹ Đức có nguồn gốc từ tỉnh Hà Tây cũ đến xây dựng kinh tế mới, các xã sáp nhập đều có nguồn gốc, đặc điểm về văn hoá chung. Do vậy, việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên cơ bản thuận lợi. Đến nay đã sáp nhập giảm được 2 đơn vị hành chính, giúp tinh gọn bộ máy hành chính cấp xã. Việc tổ chức lấy ý kiến của Nhân dân tiến hành thuận lợi, đạt kết quả đồng thuận cao.

 

Tuy nhiên, giống như Đạ Huoai, huyện Đạ Tẻh khi thực hiện sáp nhập cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như: Sau khi sáp nhập các xã có sự thay đổi về địa chỉ, đơn vị hành chính cấp xã, thôn... ảnh hưởng đến đời sống của người dân (như các loại giấy tờ, chế độ chính sách, CMND, hộ khẩu, sổ đỏ, BHXH...). Sau khi sáp nhập, diện tích các xã lớn hơn, dân cư đông dẫn đến việc quản lý xã mới phức tạp hơn. Khi sáp nhập, một số cán bộ, công chức dôi dư dẫn đến khó khăn trong việc bố trí, điều chuyển công tác khác.

 

Huyện Đạ Tẻh sau khi sáp nhập dôi dư 14 cán bộ, 17 công chức và 6 người hoạt động không chuyên trách. Đến thời điểm giữa tháng 12/2021 huyện đã báo cáo đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH là đã bố trí, giải quyết chế độ, chính sách cho 28/31 cán bộ, công chức dôi dư và 6 người hoạt động không chuyên trách theo quy định. 

 

Kết quả, sau khi sáp nhập đã giảm chi ngân sách nhà nước do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính: Giảm chi tiền lương, phụ cấp là 6 tỷ 856 triệu đồng, giảm chi hoạt động là 724 triệu đồng. Tổng số giảm chi ngân sách nhà nước là 7 tỷ 580 triệu đồng. 

 

Đại diện Đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội tham gia góp ý về giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại 3 huyện phía Nam của tỉnh.
Đại diện Đoàn giám sát Đại biểu Quốc hội tham gia góp ý về giải pháp khắc phục những tồn tại, khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại 3 huyện phía Nam của tỉnh.

 

Tại huyện Cát Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Cao Trí cho biết: Tổng số cán bộ, công chức của 4 xã trước khi sắp xếp là 79 người; thực hiện sắp xếp, bố trí 42 cán bộ, công chức theo quy định (xã Nam Ninh 21 người, xã Quảng Ngãi 21 người); số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp là 37 người (xã Nam Ninh 18 người, xã Quảng Ngãi 19 người). Kết quả sắp xếp cán bộ, công chức như sau: Đối với xã Quảng Ngãi đã thực hiện giải quyết dôi dư đối với 18/19 người, dư 1 người. Đối với xã Nam Ninh đã thực hiện giải quyết dôi dư đối với 14/18 người, dư 4 người. 

 

Việc giải quyết đối với 5 cán bộ, công chức dôi dư của xã Quảng Ngãi và Nam Ninh đã thực hiện giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP 3 người; điều chuyển công tác về huyện 1 người; điều chuyển sang xã khác 1 người.

 

Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã lúc đầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức; công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư còn gặp khó khăn do số lượng cán bộ, công chức dôi dư nhiều, cần thời gian để sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với số cán bộ này. Khoảng cách địa lý từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm thôn và trung tâm của xã xa, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng, đi lại thực hiện thủ tục hành chính của người dân...

 

Tuy nhiên, kết quả lớn hơn đó là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã góp phần tinh gọn bộ máy, tiết kiệm nguồn lực ngân sách, giảm số lượng cơ quan, đơn vị, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng số giảm chi ngân sách nhà nước năm 2020 hơn 17 tỷ 364 triệu đồng. 

 

Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng: Nhìn chung cả 3 địa phương đều thực hiện nghiêm túc, chủ động trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các địa phương cũng làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân; công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức; bảo đảm tiến độ chung của tỉnh và Trung ương đề ra. Ngoài ra, đề nghị chính quyền địa phương cần lưu ý tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của bộ máy khi tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công việc, để cán bộ, công chức của bộ máy sau sát nhập luôn đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo đúng tinh thần các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu đã đề ra.          

 

(CÒN NỮA)

 

NGUYỆT THU (http://baolamdong.vn/)

Lượt xem: 1.647
Thống kê truy cập
  • 003139048
  •  Đang online: 90
  •  Trong tuần: 7.166
  •  Trong tháng: 60.183
  •  Trong năm: 60.183