Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Người đảng viên, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng In trang
24/12/2019 07:13 SA

Từ lâu, trong các Điều lệ qua các thời kỳ, Đảng luôn xác định mình là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành của nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Trong câu xác định bản chất này, Đảng đã hàm ý khẳng định tính tiên phong của mỗi đảng viên trong công tác, trong sinh hoạt. Và, theo cách hiểu thông thường, đảng viên ở thời kỳ nào, ở đâu và trong hoàn cảnh nào cũng phải là những người đi đầu, những người làm gương cho quần chúng noi theo.

Đảng viên Trần Thị Ngọc Thảo (giữa) hiện ngụ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu và giúp dân làm giàu chính đáng. Trong ảnh: Đồng chí Thảo cùng chồng chia sẻ kỹ thuật trồng lan cho khách đến tham quan. (Ảnh: Minh Anh)
Đảng viên Trần Thị Ngọc Thảo (giữa) hiện ngụ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh là một gương điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu và giúp dân làm giàu chính đáng. Trong ảnh: Đồng chí Thảo cùng chồng chia sẻ kỹ thuật trồng lan cho khách đến tham quan. (Ảnh: Minh Anh)

Trong nhiều văn kiện, Đảng đã cho rằng, chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, mà một trong những nguyên nhân là “một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiên phong, gương mẫu vừa không đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”.

Khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã là một hình ảnh quen thuộc và đẹp đẽ trước đây. Nhất là trong thời kỳ nhà nước xã hội chủ nghĩa mới ra đời, đất nước liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, cán bộ đảng viên luôn là những người mạnh dạn đi đầu, là người “đứng mũi chịu sào”, người “lo cái lo trước thiên hạ và vui cái vui sau thiên hạ”. Đặc tính tốt đẹp đó của người cán bộ đảng viên còn được giữ gần như nguyên vẹn trong thời kỳ bao cấp. Thế nhưng trong những năm gần đây, với đà đổi mới, đi lên, một bộ phận cán bộ đảng viên đã dần xa rời quần chúng và mất dần tính tiên phong, gương mẫu.

Có một thực tế là, dù đã có nhiều quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong mấy năm gần đây, khi nhiều vụ việc tiêu cực được phanh phui, thì đa số những người sai phạm đều là đảng viên, nhiều người là cán bộ lãnh đạo, thậm chí có cả lãnh đạo cấp cao. Nhiều người trong số họ có lối sống xa hoa. Điều đó thể hiện những đảng viên này đã không còn “vui cái vui sau thiên hạ” nữa, không gương mẫu trong lối sống giản dị, tiết kiệm khi nhiều người dân vẫn còn nghèo và ít nhiều bộc lộ sự bất chính của khối tài sản họ có được. Điều này đã chỉ ra một thực tế đáng buồn về tính làm gương của người cán bộ, đảng viên.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng này, trước hết, người cán bộ, đảng viên phải thể hiện tính tiên phong, gương mẫu ở ngay cơ quan, đơn vị, địa phương cư trú của mình. Chi bộ, cấp ủy ở nơi đó và tổ chức đảng mà đảng viên sinh hoạt theo Quy định 76 sẽ giám sát và kiểm tra việc làm gương của mỗi đảng viên trong chi bộ mình. Hàng năm, mỗi đảng viên phải tự mình đề ra chương trình công tác và nội dung phấn đấu trong năm, sao cho phải thể hiện được tính làm gương so với các quần chúng trong cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, đảng viên phải làm việc và học tập với mức độ cao hơn, thể hiện sự phấn đấu và có thái độ phấn đấu tốt hơn, chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ cũng cao hơn quần chúng. Cuối năm thực hiện việc kiểm điểm và bình bầu một cách dân chủ, nghiêm túc mức độ phấn đấu của mỗi đảng viên trong năm. Có như vậy, đảng viên mới thể hiện vai trò lãnh đạo cùng tính tiên phong, gương mẫu của mình, mới hấp dẫn được người ngoài Đảng phấn đấu và tình nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Khi có sai phạm, các tổ chức đảng cần nghiêm khắc kiểm điểm và xử lý những cá nhân liên quan. Cần tránh tình trạng xuê xoa, “dĩ hòa vi quý” thậm chí bao che cho nhau để chạy theo thành tích. Nếu với cùng một lỗi như nhau, phải xét mức độ kỷ luật hoặc trừng phạt khác nhau giữa quần chúng và người đảng viên, theo hướng đảng viên phải chịu mức độ nặng hơn. Bởi vì, đảng viên ngoài ý thức chấp hành nói chung của một công dân còn phải thể hiện sự gương mẫu của mình đối với mọi quy định của nhà nước, đồng thời còn được sự giáo dục, rèn luyện thường xuyên của tổ chức đảng. Do đó, không có lý do gì đánh đồng khuyết điểm của quần chúng và và đảng viên là như nhau.

Trong bài Người đảng viên Lao động Việt Nam phải thế nào? của Bác Hồ đăng trên báo Nhân dân ngày 25/3/1951, Bác đã viết: “Nói chung, người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn: đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết (...); phải gần gũi dân chúng, thương yêu giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng; phải giữ vững đạo đức cách mệnh là chí công vô tư (...). Nói tóm lại: người đảng viên – dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, năm 2000, trang 188). Lời dạy của Bác luôn đúng cho mọi đảng viên của Đảng ta ở mọi giai đoạn, mọi hoàn cảnh.

Hiện nay, rất cần việc nhắc nhở nhau “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” rộng khắp ở tất cả các cơ sở đảng, nhất là gắn với việc kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Trong điều kiện đảng viên là người lãnh đạo mà không thể hiện tính gương mẫu thì sẽ nảy sinh những vấn đề không hay như thiếu dân chủ, mất đoàn kết và nhiều sai phạm khác. Có như vậy mới củng cố được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cán bộ đảng viên và các tổ chức đảng của Đảng ta.

Vân Tâm (https://www.hcmcpv.org.vn)

Lượt xem: 848

Thống kê truy cập
  • 002962452
  •  Đang online: 93
  •  Trong tuần: 93
  •  Trong tháng: 51.573
  •  Trong năm: 801.587