Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Phát huy vai trò của Đảng đoàn trong việc đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh In trang
11/11/2020 06:40 SA
Với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ chính trị, tổ chức, cán bộ trong hoạt động của HĐND tỉnh; trong 5 năm qua, Đảng đoàn HĐND tỉnh Lâm Đồng đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh đạt hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của địa phương.
 

Các đại biểu HĐND tỉnh khóa IX biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2020 và các nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh. Ảnh: Nguyệt Thu
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa IX biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2020 và các nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh. Ảnh: Nguyệt Thu

Để HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng quyết định, trước các kỳ họp HĐND tỉnh, Đảng đoàn đã kịp thời định hướng những nội dung trọng tâm trình kỳ họp để xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những vấn đề quan trọng. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh phối hợp UBND tỉnh kịp thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo đúng nghị quyết, chương trình, kế hoạch, kết luận của Tỉnh ủy cũng như Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể như: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hàng năm... 
 
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự lãnh đạo của Đảng đoàn, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 15 kỳ họp HĐND tỉnh (8 kỳ họ̣p thường lệ, 7 kỳ họp bất thường); ban hành 195 nghị quyết, trong đó có 99 văn bản quy phạm pháp luật. 
 
Các nghị quyết được ban hành đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết của Tỉnh ủy và điều kiện thực tế của tỉnh là động lực quan trọng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng mới bộ mặt nông thôn, đô thị; tạo môi trường, cơ chế cho UBND tỉnh thực hiện. 
 
Có thể kể đến những nghị quyết quan trọng này bao gồm: Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm; Nghị quyết phân bổ kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước hàng năm; Nghị quyết phê duyệt quyết toán ngân sách địa phương tỉnh... Đó còn là Nghị quyết về đầu tư phát triển giáo dục, y tế; chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa… đã đề ra được nhiều cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu bức thiết của Nhân dân và huy động sự đóng góp của toàn xã hội. Qua đó, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân qua việc hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; những biện pháp, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy được ban hành cũng đã góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội. 
 
Mặt khác, các nghị quyết về đầu tư, tu bổ di tích lịch sử đã xác định rõ lộ trình, nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần bảo tồn văn hóa; Nghị quyết để xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và nhiều nghị quyết khác, liên quan đến việc quyết định tổng biên chế sự nghiệp và phân bổ biên chế hành chính và sự nghiệp hằng năm; về điều chỉnh địa giới hành chính; sáp nhập tổ dân phố, điều chỉnh quy hoạch đô thị các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc hay Nghị quyết đặt tên đường tại thành phố Đà Lạt, huyện Đạ Huoai, Lạc Dương... thực sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. HĐND tỉnh cũng đã có những quyết sách nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh khu vực miền núi gắn với bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ bảo tồn, phát triển cây độc canh thế mạnh của Lâm Đồng... Các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh cũng được duy trì định kỳ mỗi tháng một lần theo quy định, nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND. Và để đảm bảo chất lượng khi ban hành mỗi nghị quyết, Đảng đoàn lãnh đạo HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng giám sát, bởi vì thông qua hoạt động giám sát, mới nắm chắc hơn các vấn đề từ thực tiễn để khi quyết định một vấn đề phải bảo đảm xuất phát từ thực tiễn. Trong công tác giám sát, Đảng đoàn luôn chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả công tác giám sát của HĐND tỉnh. 
 
Theo HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 29 cuộc giám sát, tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri quan tâm tại 453 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương để tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, nếu phát hiện có vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, Thường trực Tỉnh ủy giao cho Đảng đoàn HĐND tỉnh, lãnh đạo HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề và báo cáo kết quả giám sát với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét, cho ý kiến về những kết luận sau giám sát và đôn đốc giải quyết kịp thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát hiện qua giám sát, hoặc đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện. 
 
Điển hình trong hoạt động giám sát đó là giám sát công tác quản lý nhà nước trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; công tác quản lý nhà nước về các dự án đầu tư Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vấn đề dư luận xã hội quan tâm nhiều về môi trường, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích 3 loại rừng, quy hoạch, trật tự đô thị, an ninh và trật tự an toàn xã hội, tắc nghẽn giao thông, về dịch bệnh; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh tình trạng dự án treo và quy hoạch treo; thực hiện Luật Đất đai; công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án phức tạp... Hình thức giám sát cũng đa dạng như: giám sát trực tiếp; giám sát xem xét qua văn bản tại kỳ họp HĐND; giám sát qua báo cáo và giám sát một số vụ việc cụ thể. Sau giám sát, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung đối với các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các cấp. Việc theo dõi, đôn đốc cơ quan, đơn vị thực hiện các kiến nghị sau giám sát được thường xuyên nên các kiến nghị sau giám sát được trả lời khá đầy đủ, kịp thời; hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh ngày càng nâng cao, các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, điều hành thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, thông qua hoạt động phối hợp giám sát của HĐND các cấp, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo Đảng đoàn HĐND tỉnh về kết quả giám sát về các chuyên đề lớn, trên cơ sở đó Đảng đoàn đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét và lãnh đạo tập trung giải quyết tốt những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương. 
 
Để khi một nghị quyết ban hành bám sát ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, Đảng đoàn đã chỉ đạo Thường trực HĐND tỉnh duy trì thường xuyên việc tiếp công dân định kỳ; nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; xây dựng quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri; xây dựng chuyên mục các nội dung liên quan toàn diện đến hoạt động của HĐND các cấp trên trang Tạp chí Thông tin hoạt động HĐND của Thường trực HĐND tỉnh để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri; cung cấp kịp thời những hoạt động của đại biểu HĐND các cấp và các văn bản trả lời của các cơ quan chức năng đến cử tri. Thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND có nhiều đổi mới; kỹ năng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh được nâng lên theo hướng đối thoại thẳng thắn, cởi mở, tập trung vào những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương; nhiều đại biểu sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức được 19 cuộc tiếp xúc cử tri với số lượng 371.181 cử tri/578 buổi tiếp xúc cử tri, có 7.017 lượt ý kiến; tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt khoảng 91%; số lượng đại biểu HĐND và lãnh đạo chủ chốt tham gia tiếp xúc cử tri là 698 lượt. Ngoài ra, Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo Thường trực HĐND quy định và công bố công khai lịch tiếp dân vào ngày 15 và 25 hàng tháng.
 
Sự lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng đoàn HĐND tỉnh thời gian qua đã giúp HĐND, Thường trực, các ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định; ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, củng cố bộ máy chính quyền và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cũng theo Đảng đoàn HĐND tỉnh, từ thực tiễn hoạt động cho thấy, để hoạt động của HĐND thực sự hiệu quả, cần đổi mới công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng cùng cấp đối với hoạt động của HĐND tỉnh; Đảng đoàn HĐND tỉnh phải thực sự là cầu nối, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh.
 
XUÂN TRUNG (http://baolamdong.vn)
Lượt xem: 1.855

Thống kê truy cập
  • 002346854
  •  Đang online: 13
  •  Trong tuần: 12.689
  •  Trong tháng: 61.347
  •  Trong năm: 185.989