Thời gian qua, đã có một số đảng viên bị kỷ luật do sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng. Đây thực sự là những lời cảnh báo, những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng viên.
Ảnh mình hoạ: Internet.
Đầu tháng 8-2019, một đảng viên là chuyên viên Văn phòng UBND TP.HCM đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vì “đã thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái tư tưởng chính trị rất nghiêm trọng” liên quan trực tiếp đến việc sử dụng mạng xã hội (Facebook) để đưa những thông tin không phù hợp. Thông qua trang Facebook cá nhân, đảng viên này cố ý viết bài và đăng các thông tin, bài viết tổng hợp từ internet và mạng xã hội có nội dung không đúng bản chất vụ việc, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Người này cũng cố ý đưa lên mạng xã hội các bài viết dưới hình thức báo cáo, kiến nghị nhưng mang nội dung tố cáo, gửi nhiều cấp, nhiều nơi, trong đó có Facebook, không phải là nơi có thẩm quyền giải quyết, để nhiều đối tượng bình luận, nói xấu, xuyên tạc, làm hiểu sai lệch bản chất vụ việc, tạo cách nhìn và thái độ tiêu cực đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số cá nhân liên quan. Trước đó, đảng viên này cũng đã bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt là 7,5 triệu đồng vì “vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín” của người khác khi đăng đoạn thông tin cập nhật về vụ giao “đất vàng” ở TP.HCM, gắn với trách nhiệm của một số cá nhân khi chưa có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền.
Hồi tháng 5-2019, một đảng viên là nguyên phó bí thư chi bộ, trưởng một khoa của Trường Chính trị Trần Phú (tỉnh Hà Tĩnh) đã bị kỷ luật cách chức vì có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tin sai sự thật, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ bài viết này, trang cá nhân của đảng viên trên có những bình luận xuyên tạc sự thật với những từ ngữ thiếu văn hóa, xúc phạm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự bản thân, uy tín của tổ chức Đảng và nhà trường, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội.
Vào tháng 3-2019, một đảng viên là phó viện trưởng một viện thuộc UBND thành phố Đà Nẵng đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên Facebook và bị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng. Trước đó 1 năm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đảng viên này với cùng nội dung như trên.
Hay tại An Giang, hồi năm 2015, sau sự việc 3 cán bộ trong tỉnh được cho là “lên Facebook nói xấu lãnh đạo tỉnh”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xử lý triệt để. Sau đó, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng (nay là Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp An Giang) đã ban hành một số văn bản về việc xử lý, chấn chỉnh cán bộ, đảng viên lợi dụng sử dụng Facebook xúc phạm lãnh đạo tỉnh; yêu cầu các tổ chức đảng cơ sở nhắc nhở cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, UBND thành phố Châu Đốc... cũng ban hành văn bản về việc chấn chỉnh cán bộ, công nhân viên sử dụng Facebook...
Cần nhắc lại, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” đã nêu cụ thể một số hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến mạng xã hội. Đó là: “Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” (điểm g, mục 3, Điều 7); “Trả lời phỏng vấn, cho đăng tải tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nội dung sai sự thật, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử” (điểm e, mục 2, Điều 10). Hình thức kỷ luật cao nhất đối với các vi phạm này là khai trừ ra khỏi Đảng.Xét về nhiều mặt, mạng xã hội mang tính cá nhân rất cao, bởi gần như hoàn toàn do cá nhân đăng tải những thông tin, hình ảnh theo ý chí chủ quan của mình, trừ một số ít trường hợp vi phạm “tiêu chuẩn cộng đồng” do những người thiết lập mạng xã hội đặt ra. Đó là, bản thân người dùng gần như có thể đăng (post) bất kỳ loại thông tin, hình ảnh gì, vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đâu, dưới bất cứ hình thức gì... Lợi dụng điểm này, một số người, kể cả cán bộ, đảng viên, đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết mang thông tin chưa được kiểm chứng, có nội dung công kích, xúc phạm người khác, vi phạm các quy định về bảo mật của cơ quan, đơn vị, không có lợi cho tổ chức của Đảng, của Nhà nước. Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tức là về cơ bản không bị ràng buộc trách nhiệm do bản thân là thành viên của một tổ chức nào đó, thì điều này có thể ít được quan tâm, truy cứu, trừ trường hợp có thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật. Nhưng với những người phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân lẫn vai trò là thành viên của một cơ quan, tổ chức nào đó, bản thân họ phải luôn ý thức rằng bất kể điều gì mình đăng tải liệu có ảnh hưởng đến cá nhân nào không, tổ chức nào không, có lợi cho ai không, có hại cho ai không, có vi phạm các điều lệ hay quy định nào của tổ chức không...
Không chỉ vậy, bản thân còn phải xác định rõ điều mình đăng có phù hợp không, thực sự có lợi chung hay không. Điều đó không phải chỉ là đòi hỏi về sự “nhạy cảm chính trị” mà trên hết là sự ứng xử một cách hợp lẽ với cơ quan, tổ chức mà bản thân đang trong hệ thống đó.Tất cả những trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật, nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức... thì có thể nhắc nhở, uốn nắn. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo của cá nhân đó trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình. Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần đưa ra các sinh hoạt tập thể, như họp cơ quan, họp chi bộ, họp chi đoàn... để uốn nắn. Trường hợp cần thiết thì dùng tập thể để tác động, phê bình, vạch ra cái sai mà sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không phục thiện thì phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả lớn) thì phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Với một số đảng viên như đã nêu ở trên, sau nhiều lần giáo dục không thành công, biện pháp cuối cùng là phải đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự suy thoái đã đến mức nghiêm trọng. Như vậy, sẽ có người đặt câu hỏi: “Tôi đăng tải trên trang cá nhân của tôi những điều pháp luật không cấm, sao lại nói tôi vi phạm?”. Có thể trong nhiều trường hợp chưa có dấu hiệu cụ thể của vi phạm pháp luật và pháp luật cũng không có quy định cấm nhưng trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức, trong đó có tổ chức đảng, không phải chỉ làm những điều pháp luật không cấm mà buộc phải làm những điều pháp luật cho phép và không trái với các quy định của tổ chức mà mình là thành viên. Như trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội rõ ràng là vi phạm nội quy cơ quan, hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì không thể nói là không vi phạm về tư cách đảng viên...Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến mạng xã hội chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bản thân mỗi người phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng mạng xã hội một cách tích cực không chỉ cho mình mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Tức là, bên cạnh sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính đảng. Đây phải là điều thường trực trong nhận thức!Những người là cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng cần tuân thủ nguyên tắc là phải luôn nghiêm túc thực hiện Điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện mình là những công dân gương mẫu. “Tình trạng một số ít đảng viên bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vì có biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội cho thấy đã trực tiếp vi phạm Quy định số 47-QÐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, xa rời yêu cầu về vai trò gương mẫu của đảng viên, với một số trường hợp là tiếp tay, phụ họa nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, thậm chí khơi mào quan điểm sai trái. Việc kiên quyết khi xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật đảng chính là góp phần để Ðảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân. Ðây cũng là bài học thiết thân với mọi đảng viên, nhắc nhở rằng dù hoạt động trong lĩnh vực xã hội và giữ cương vị xã hội nào, thì mỗi đảng viên vẫn phải tự ý thức về trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân. Khi tham gia mạng xã hội, trước khi đưa ra ý kiến về vấn đề, sự kiện, hiện tượng nào đó, đảng viên cần có bản lĩnh, trí tuệ, thiện chí, tỉnh táo xem xét... không để bị cuốn theo cảm xúc của số đông, không phát ngôn cảm tính, không phán xét tùy tiện, không khơi mào ý kiến tiêu cực... Chỉ có như vậy, đảng viên mới có thể góp phần bảo vệ, giữ vững uy tín của Ðảng, bảo vệ và giữ vững uy tín của chính mình”(1).Những cảnh báo này tuy không mới nhưng cũng cần được nhắc lại để mỗi cán bộ, đảng viên không được phép quên!
VÂN TÂM (https://hcmcpv.org.vn)
----------------------------
(1) Quang Hà, Tỉnh táo khi tham gia mạng xã hội, Báo Nhân dân, ngày 31-5-2019