Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
5 điểm nhấn của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng In trang
15/10/2019 07:07 SA

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận

Là người đứng đầu Ngành Tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương luôn đặc biệt đề cao vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng Đảng. Đồng chí yêu cầu toàn Ngành đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận, coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, nhất là những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên. Tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Triển khai hoạt động của Viện Khoa học tổ chức, cán bộ có hiệu quả…

Trong năm 2018, toàn Ngành đã triển khai tổng kết nhiều nghị quyết của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tham mưu ban hành hơn 60 văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là 3 nghị quyết, 1 quy định của BCH Trung ương được thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ về xây dựng Đảng. Những đề tài, đề án này được đánh giá có chất lượng tốt, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, để nghiên cứu tham mưu xây dựng đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” với 2 trọng tâm và 5 đột phá trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, tổ chức nhiều hội thảo, xin ý kiến đóng góp rộng rãi.

Trên cơ sở sơ kết thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW và Quy định số 55-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương, toàn Ngành đã tập trung nghiên cứu, trao đổi, xin ý kiến chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý nguyên và đương chức, 3 lần xin ý kiến trực tiếp các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng… từ đó hoàn thiện đề án trình BCH Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Nghiên cứu, tham mưu xây dựng Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền…

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn Ngành tập trung tham mưu tổng kết thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), đồng thời tham mưu, ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với yêu cầu, nội dung rõ ràng, kèm theo các phụ lục cụ thể, giúp các địa phương, đơn vị thuận lợi triển khai thực hiện. Ban hành kế hoạch và tổ chức 14 đoàn khảo sát của Tiểu ban Điều lệ Đảng. Ban hành đề cương, phụ lục, biểu mẫu tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII để các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành tổng kết và tham gia đóng góp ý kiến với Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII. Đến nay, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII đã được hoàn thiện để trình xin ý kiến Bộ Chính trị.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Ngành tập trung rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Ban Tổ chức Trung ương đã sớm tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 152-QĐ/TW ngày 26-10-2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban, qua đó đã giảm được 1 đầu mối cấp vụ, gần 20% biên chế. Một số địa phương chủ động sắp xếp lại các phòng chuyên môn, giảm số lượng cấp phó theo quy định của Trung ương. Chẳng hạn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Sau khi thực hiện sáp nhập Phòng Chính sách cán bộ với Văn phòng, đến đầu tháng 4-2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục sáp nhập Phòng Tổ chức đảng với Phòng Đảng viên. Đồng thời điều chuyển một số vị trí việc làm của Phòng Tổng hợp và Chính sách cán bộ về Văn phòng Tỉnh ủy để thực hiện Đề án Văn phòng cấp ủy chung. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An hiện còn 4 phòng chuyên môn, giảm được 2 phòng, 2 chức danh trưởng phòng, hoàn thành việc sáp nhập phòng theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Thực hiện Quy định số 04-QĐ/TW ngày 25-7-2018 của Ban Bí thư, nhiều ban tổ chức tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tham mưu ban thường vụ tỉnh ủy xây dựng, phê duyệt các đề án sắp xếp bộ máy của văn phòng và các ban xây dựng Đảng, triển khai đề án thực hiện thống nhất văn phòng cấp ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái ban hành Đề án số 14-ĐA/TU ngày 17-12-2018 về sáp nhập văn phòng các ban xây dựng Đảng về Văn phòng Tỉnh uỷ phục vụ chung cho các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy. Theo đó, từ ngày 1-1-2019 Tỉnh ủy Yên Bái đã sáp nhập văn phòng của tất cả các ban xây dựng Đảng trực thuộc Tỉnh uỷ về Văn phòng Tỉnh uỷ để phục vụ chung cho cấp ủy và các ban xây dựng Đảng. Việc thực hiện Đề án góp phần giảm được 10 phòng; giảm các vị trí kế toán, văn thư - lưu trữ, thủ quỹ các ban Đảng. Cùng với Nghệ An, Yên Bái, ban tổ chức các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An… đã tích cực sắp xếp, thu gọn các đầu mối.

Đặc biệt, Hà Giang là một trong những tỉnh đi đầu triển khai hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ. Ngày 24-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh trên cơ sở hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ. Sau hợp nhất, Ban Tổ chức - Nội vụ có 7 phòng chuyên môn, giảm 5 phòng và 12 đồng chí lãnh đạo cấp phòng. Ban Tổ chức - Nội vụ sử dụng đồng thời 2 con dấu của Ban Tổ chức và Sở Nội vụ. Thể thức văn bản của Ban Tổ chức - Nội vụ được sử dụng đồng thời theo cơ quan đảng và cơ quan hành chính tùy vào nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy hay HĐND, UBND tỉnh. Qua gần 1 năm hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban tuy gặp một số khó khăn trong những ngày đầu sáp nhập nhưng đến nay đã dần đi vào nền nếp, có hiệu quả.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng các cấp tích cực xây dựng, ban hành nhiều quy định, quy chế, quy trình thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng 9 quy chế, quy định: Quy chế làm việc; Quy chế công tác đối với cán bộ theo dõi địa bàn; Quy chế luân chuyển, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức; Quy chế khuyến khích sáng tạo, đổi mới; Quy định về việc quản lý và hoạt động công nghệ thông tin; Quy trình tổ chức các hội nghị; Quy định về tiếp nhận, xử lý, ban hành và quản lý văn bản; Quy định về công tác lưu trữ; Quy chế chi tiêu nội bộ.

{image id =1}

Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng văn hóa công sở

Nhiệm kỳ này, Ban Tổ chức Trung ương nói riêng và Ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói chung đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp, lề lối, tác phong làm việc gắn với cải cách hành chính và thực hiện “5 hóa”: hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa văn bản pháp quy; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự động hóa tổ chức thực hiện; tối ưu hóa kết quả hoạt động. Bước đầu triển khai việc xử lý văn bản trên hệ thống điều hành tác nghiệp. Một số địa phương, đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý công việc, trong đó Hải Phòng, Hà Nội đã sớm triển khai chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ và quản lý cán bộ, quản lý công việc theo phần mềm.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, Ban Tổ chức Trung ương đang triển khai xây dựng dự án Trung tâm điều hành thông minh, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Trung tâm điều hành thông minh Ban Tổ chức Trung ương đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực quản lý, điều hành và hoạt động của Ban, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành; công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo; công tác kiểm tra, đánh giá; công tác nghiên cứu; trao đổi thông tin nội bộ; hỗ trợ xây dựng và quản lý hệ thống văn bản đi và đến; các chương trình đào tạo cho đội ngũ nội bộ; diễn đàn trao đổi; hỗ trợ xây dựng hệ thống phân tích, tổng kết; tổng hợp và phân tích ý kiến mạng xã hội và báo chí; an toàn an ninh thông tin; ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp phân tích, cảnh báo, dự báo…

Duy trì nền nếp chế độ giao ban trực tuyến trong Ngành, thường xuyên đổi mới cách thức triển khai theo hướng thảo luận chuyên đề, giới thiệu mô hình mới, chung tay tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. 6 tháng đầu năm 2019, đã có 70 vấn đề, nội dung được trả lời, trao đổi thông qua hội nghị giao ban trực tuyến. Coi trọng xây dựng văn hoá công sở; từng bước tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, khơi dậy nhiệt huyết, phát huy tối đa năng lực đội ngũ cán bộ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không ngừng quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên trong Ngành thực hiện nghiêm việc cấm chạy chức, chạy quyền, tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Chú trọng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng

Một trong những nét đổi mới rõ rệt trong nhiệm kỳ này là sự quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng. Toàn Ngành đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền bám sát tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương (khóa XII) với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị.

Công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng được triển khai với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tập trung vào những vấn đề đang được dư luận quan tâm: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển lý luận về xây dựng Đảng và thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Phản ánh những mô hình mới, cách làm sáng tạo trong việc triển khai, học tập, quán triệt có hiệu quả các nghị quyết của Đảng; cổ vũ, tuyên truyền kịp thời kết quả và những cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng Đảng về đạo đức; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền; công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng...

Đặc biệt, qua ba năm tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên “Búa liềm vàng” đã có hàng chục nghìn tác phẩm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và hàng nghìn tác phẩm tham dự Giải với nhiều loại hình, trong đó nhiều tác phẩm chất lượng tốt. Giải Búa liềm vàng ngày càng thu hút đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí, người làm báo chuyên và không chuyên trong và ngoài nước; trở thành giải thưởng báo chí có uy tín, đã và đang tạo sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong xã hội. Hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IV - năm 2019, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương đã xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền chi tiết, cụ thể phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí trong phạm vi quản lý xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng. 

Để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với một số ban, bộ, ngành mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan, thông tấn báo chí trong cả nước. Ba lớp tập huấn cho khoảng 200 phóng viên, biên tập viên chuyên trách về xây dựng Đảng được tổ chức năm 2018. Năm nay, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức 3 hội nghị tập huấn ở 3 miền, được các phóng viên, biên tập viên đánh giá cao.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Hoạt động đối ngoại của Ngành ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, góp phần củng cố, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế giữa Đảng ta với một số đảng cộng sản, đảng tham chính, đảng cầm quyền trên thế giới. Trong năm 2018, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã tiếp và làm việc với gần 20 đoàn khách quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đi thăm và làm việc tại I-xra-en, Cộng hòa Nam Phi; tiếp Bí thư Toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp; trao đổi kinh nghiệm về xây dựng đảng với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cu-ba và làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Nhà nước Cu-ba; làm việc với Đoàn cán bộ Bộ Nội vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào…

Tích cực triển khai các thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng với các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Xin-ga-po, Lào… Tổ chức các đoàn đến một số quốc gia để khảo sát, thiết lập các quan hệ hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng với các đối tác, các cơ sở đào tạo. Ký kết thỏa thuận khung với nhiều đối tác, làm cơ sở cho việc triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời nhận được sự ủng hộ hiệu quả của các cơ quan, tổ chức và cơ sở đào tạo nước ngoài. Trong đó, Văn phòng Đề án 165 (nay là Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cấp học bổng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược của Việt Nam. Trong 5 năm (từ năm 2018), Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp 500 học bổng bồi dưỡng ngắn hạn và trung hạn; 300 học bổng thạc sỹ; 25 học bổng tiến sỹ. Ký thỏa thuận hợp tác 3 năm (từ năm 2018) với Quỹ Temasek của Xin-ga-po, theo đó mỗi năm phía bạn sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí để 100 cán bộ lãnh đạo, quản lý của nước ta tham gia các khóa bồi dưỡng tại Trường Đào tạo công chức của Xin-ga-po.

 

Nguyễn Bá Thắng (http://www.xaydungdang.org.vn)
Lượt xem: 1.091

Thống kê truy cập
  • 002962630
  •  Đang online: 172
  •  Trong tuần: 172
  •  Trong tháng: 51.751
  •  Trong năm: 801.765