Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 3 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng In trang
06/07/2021 08:47 SA

Sáng 5/7 tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu khai mạc Hội nghị. Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư với bạn đọc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Thưa các đồng chí Trung ương,

 

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

 

Trong không khí cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước những thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như kết quả rất tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức đồng lòng, vừa chủ động, tích cực phòng, chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra, hôm nay Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bắt đầu khai mạc. Hội nghị có nhiệm vụ: Thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025; xem xét, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ khoá XIII; Quy định thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khoá XIII; tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sắp tới và một số vấn đề quan trọng khác.

 

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị; và xin gửi tới các đồng chí lời thăm hỏi chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.

 

Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề, mong được các đồng chí quan tâm trong quá trình thảo luận, xem xét, quyết định. Tôi xin nói 4 vấn đề:

 

1. Về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025

 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhất trí cao đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021- 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để thể chế hoá, cụ thể hoá và thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, cập nhật tình hình, nhất là tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; đồng thời, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của đất nước trước những biến động của thế giới từ đầu năm đến nay để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện, trình Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị lần này.

 

Đây là những kế hoạch hết sức quan trọng, rộng lớn, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đề nghị Trung ương căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Tờ trình, các báo cáo, tài liệu tham khảo của Ban cán sự đảng Chính phủ, cũng như thực tiễn tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế -xã hội nước ta hiện nay và phân tích, dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới dưới tác động của đại dịch COVID-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh mới trên thế giới. Chú ý phân tích, đánh giá thật sâu sắc, làm rõ thêm thực tế tình hình: Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, cả nước vẫn phải tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống dịch; đợt bùng phát dịch lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát, có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Kinh tế-xã hội đất nước tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng chưa vững chắc; thương mại và đầu tư quốc tế suy giảm; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn còn nguy cơ lâm vào khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực, trong đó có nước ta; làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, phát triển kinh tế số, xã hội số...

 

Từ đó, cho ý kiến vào các vấn đề lớn nêu trong Tờ trình và các báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, nhất là những vấn đề quan trọng thuộc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo còn có ý kiến khác nhau. Chú ý làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, một số chỉ tiêu cơ bản, và đặc biệt là các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế, có tính đột phá, khả thi cao, bảo đảm thực hiện thành công các kế hoạch đề ra. Quán triệt thật đúng, tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương, quyết sách lớn của Đại hội XIII về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao nội lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, xây dựng, phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh của con người Việt Nam; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đổi mới mạnh mẽ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển...

 

2. Về xây dựng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

 

Đây là việc làm cần thiết ngay đầu nhiệm kỳ mỗi khóa sau Đại hội Đảng, nhằm cụ thể hoá Điều lệ Đảng, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc và phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo đảng, bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trên cơ sở Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện và kế thừa Quy chế làm việc của khoá XII, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII và Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá này cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm phát huy tốt hơn nữa dân chủ trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; giữ vững chế độ lãnh đạo tập thể, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đổi mới, cải tiến chế độ, lề lối làm việc, phương pháp công tác của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ và phù hợp; tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót việc. Đây là những cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng, tăng cường sức mạnh, kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

 

Tờ trình của Bộ Chính trị đã nêu rõ các nội dung mà Trung ương cần thảo luận. Đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến và góp ý trực tiếp vào dự thảo các quy chế, nhất là những nội dung cần bổ sung, sửa đổi. Ví dụ như nội dung về: Trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư; chế độ sơ kết, tổng kết, chế độ đi công tác cơ sở, phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác v.v...

 

3. Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; quyết định không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng. Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh, thông qua các quy định, hướng dẫn của Trung ương; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm thi hành nghiêm, thống nhất Điều lệ trong toàn Đảng.

 

Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có liên quan phối hợp chuẩn bị các Tờ trình và Dự thảo các quy định. Nội dung của tờ trình và dự thảo các quy định đã bám sát Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng, trên cơ sở các Quy định số 29, ngày 25/7/2016 và Quy định số 30, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII để đề xuất những nội dung cần hướng dẫn, quy định, cho phù hợp với thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng.

 

Đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ và có ý kiến, góp ý vào dự thảo các quy định về những nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn có những vướng mắc, bất cập, nhất là các vấn đề cụ thể phát sinh từ cơ sở, từ các chi bộ, đảng bộ. Đó là những vấn đề như: Quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; sinh hoạt định kỳ của đảng bộ cơ sở, chi bộ; việc giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; trường hợp kết nạp và công nhận đảng viên chính thức sai quy định; phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, ghi hồ sơ đảng viên; việc bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên; việc lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ; quy định về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và thẩm quyền, nhiệm vụ của uỷ ban kiểm tra các cấp; thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, quy định về việc xử lý khi phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp uỷ quản lý; quy định về các trường hợp không giải quyết tố cáo...; công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng; thi hành kỷ luật và biểu quyết kỷ luật; khiếu nại kỷ luật đảng...

 

4. Về việc giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026

 

Đây là công việc rất hệ trọng. Tại Hội nghị Trung ương 2 khoá XIII (tháng 3/2021), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao là cần sớm kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước ngay sau Đại hội để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 

Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (tháng 3 - 4/2021), Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và bầu hoặc phê chuẩn đối với 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước.

 

Đến nay, sau cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV (nhiệm kỳ 2021-2026), Ban Chấp hành Trung ương có trách nhiệm chuẩn bị và tiếp tục giới thiệu nhân sự để Quốc hội khoá XV bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất sắp tới theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giới thiệu nhân sự theo hướng: Đối với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan Nhà nước đã được Hội nghị Trung ương 2 khoá XIII giới thiệu hoặc cho ý kiến thông qua với số phiếu tín nhiệm cao thì Ban Chấp hành Trung ương không tiến hành bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại.

 

Đối với 23 chức danh còn lại chưa lấy phiếu giới thiệu tại Hội nghị Trung ương 2 và các chức danh có dự kiến thay đổi so với lần trước, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương bằng phiếu trước khi chính thức giới thiệu để Quốc hội xem xét bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV sắp tới.

 

Thưa các đồng chí,

 

Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong nhiệm kỳ khoá XIII, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới. Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

 

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

 

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.

 

Xin trân trọng cảm ơn.

 

(Theo chinhphu.vn)

Lượt xem: 2.033

Thống kê truy cập
  • 002794334
  •  Đang online: 51
  •  Trong tuần: 12.051
  •  Trong tháng: 24.341
  •  Trong năm: 633.469