(LĐ online) - Trong những năm gần đây, chiêu trò bóp méo, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là những “trò bẩn” mà các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thù địch thường xuyên sử dụng để chống phá Việt Nam, nhất là sau các hội nghị của Đảng hoặc sau khi Đảng ta ban hành nghị quyết, quy định mới.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, các đối tượng phản động, thù địch ra sức xuyên tạc, suy diễn, chỉ trích, công kích chế độ, nhạo báng vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một số trang mạng của cá nhân, tổ chức thù địch, phản động, hội đoàn chống cộng hải ngoại lu loa rằng, việc Đảng ban hành quy định những điều đảng viên không được làm là để “vá những lỗ thủng quá nhiều của chế độ”; điều đó cho thấy “Đảng đứng trên pháp luật, lấn át vai trò của pháp luật”. Những luận điệu xuyên tạc này còn được cổ súy trên đài BBC, RFA, VOA… Họ viện dẫn nhiều ý kiến vô căn cứ của những đối tượng có hiềm khích và tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng cho rằng: “Những quy định cấm đảng viên chỉ là chiêu bài chứ không có hiệu quả trong thực tế” hoặc các đối tượng suy diễn “Đảng loay hoay, mò mẫm soạn ra các văn bản giấy tờ quy định cấm cho thêm rắc rối, chồng lấn pháp luật, vì những điều ấy pháp luật cũng cấm rồi, đảng viên cũng là công dân, thêm điều cấm là Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật, vi phạm Hiến pháp”…
Trước hết, cần khẳng định những luận điệu trên là phản động, xảo trá, vu khống, phủ nhận thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hòng làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Những luận điệu trên không thể phủ nhận thực tế suốt 92 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho Nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Thực tế từ ngày có Đảng, Nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.
Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định mục tiêu tổng quát, trong đó nhiệm vụ "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện” là nhiệm vụ hàng đầu. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XIII, cụ thể hóa Nghị quyết Đại Hội, Đảng ta đã ban hành rất nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, có Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Đảng ta là Đảng cầm quyền, trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được Nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Vì vậy, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, chấn chỉnh lại đội ngũ đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng là việc làm cần thiết và hết sức bình thường của một chính Đảng.
Một Đảng cách mạng, chân chính dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những yếu kém, khuyết điểm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và những hạn chế trong nội tại tổ chức Đảng, đảng viên để từ đó đề ra các giải pháp chỉnh đốn, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém. Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) thẳng thắn nhìn nhận sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước Nhân dân. Vì thế, cùng với nhiều quy định khác, Đảng ta ban hành Quy định 37-QĐ/TW là để mỗi đảng viên “tự soi, tự sửa” chính bản thân mình và giúp cho kỷ luật, kỷ cương của Đảng ngày càng chặt chẽ và nghiêm minh.
Quy định số 37-QĐ/TW bổ sung nhiều nội dung mới, ví dụ như quy định rõ đảng viên không được “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Hoặc quy định, đảng viên không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Việc bổ sung những nội dung này là rất cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong bối cảnh hiện nay.
Với mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện là việc làm “như đánh răng, rửa mặt hàng ngày”, nhất là khi đã đứng vào hàng ngũ những người ưu tú nhất, tiên tiến nhất, nguyện suốt đời phấn đấu, hi sinh cho đất nước, phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân thì đòi hỏi phẩm chất, tư cách đạo đức phải gương mẫu hơn người dân bình thường. Đảng viên, bên cạnh việc tuân thủ, thực hiện tốt nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ và văn bản của Đảng, thì với vai trò là công dân cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Do đó, Đảng ban hành các quy định là để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên chứ không phải là “dẫm chân” hay “chồng lấn” pháp luật.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm và các quy định khác của Đảng, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải khẳng định rõ quyết tâm chính trị; nhận diện rõ ràng âm mưu, và những luận điệu sai trái, xuyên tạc Quy định 37-QĐ/TW cũng như thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Và điều quan trọng hơn cả là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần “tự soi”, “tự sửa”, cùng với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng trong giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý nghiêm minh những khuyết điểm, sai phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn, đoàn kết nội bộ tốt hơn, gắn bó với Nhân dân mật thiết hơn để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn”. Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; trong đó, có Quy định về những điều đảng viên không được làm sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
ĐỨC HẠNH