Sáng 27/4, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” với sự tham gia của các đơn vị Trung ương và các tỉnh, thành thực hiện thí điểm Đề án này trong nước.
Quang cảnh hội nghị
Tại đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính chủ trì.
Tham dự tại đầu cầu Lâm Đồng có Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Hiệp và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên chủ trì, cùng sự có mặt của lãnh đạo các sở, ngành Nội vụ, Tư pháp, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Mục tiêu của việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý, theo Bộ Nội vụ, nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; hạn chế và loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ban, ngành, địa phương.
Tính đến nay, tại cấp Trung ương với 14 cơ quan thí điểm thực hiện Đề án, đã có 12 cơ quan tổ chức thi tuyển 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển. Trong 42 ứng viên trúng tuyển này, cấp vụ có 32 ứng viên, cấp phòng có 10 ứng viên.
Ở cấp địa phương, có 22 trong diện thí điểm thực hiện Đề án, đã có 17 tỉnh, thành tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, trong đó có Lâm Đồng, với 368 ứng viên trúng tuyển. Trong số ứng viên trúng tuyển này, cấp sở có 33 ứng viên, cấp phòng có 335 ứng viên.
Bộ Nội vụ cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong triển khai Đề án, có các văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng, hồ sơ tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý, nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục thi tuyển, xác định người trúng tuyển qua thi tuyển. Các cơ quan Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố được chọn thí điểm trong thời gian qua đã nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương trong thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc triển khai Đề án vẫn còn những điểm cần khắc phục. Đó là các hướng dẫn thực hiện chưa thật đầy đủ, còn thiếu một số nội dung cần thiết như: cách thức, phương pháp, quy trình tổ chức thi tuyển; tiêu chuẩn, điều kiện của người tham gia Hội đồng thi tuyển, tỷ lệ thành viên Hội đồng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, địa phương; định hướng xử lý các tình huống dễ xuất hiện khi tổ chức thi tuyển..
Cùng đó, nhiều cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm thực hiện Đề án còn lúng túng trong triển khai thực hiện, thời gian thực hiện kéo dài ảnh hưởng đến các hoạt động đơn vị; chưa kết hợp chặt chẽ việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý với việc xây dựng vị trí việc làm tại cơ quan, đơn vị; việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa thu hút đông đảo cán bộ, công chức tham gia; việc thành lập hội đồng thi tuyển ở một số nơi chưa thật hợp lý.
Tuy nhiên, như Bộ Nội vụ đánh giá, việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng nên cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Hội nghị đã lắng nghe ý kiến của nhiều đơn vị Trung ương và các tỉnh, thành thực hiện thí điểm Đề án.
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ sẽ hoàn thiện báo cáo sơ kết Đề án, nếu được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép sẽ tiếp tục triển khai trong 2 năm đến và tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án này vào quý IV năm 2022.
VIẾT TRỌNG (theo http://baolamdong.vn)