TCCS - Trong những năm qua, công tác phát triển đảng luôn được chú trọng triển khai trong đoàn viên, thanh niên thuộc nhiều khu vực; việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đoàn, phát triển đảng viên từ đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp nói chung và trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nói riêng được các cấp bộ đoàn xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Làm tốt công tác này chính là góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các đại biểu thanh niên tại Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023”_Nguồn: laodong.vn
Xác định rõ vai trò “ưu tú” của đoàn viên, thanh niên
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Với chức năng là đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp(1). Từ đó, Đảng ta xác định, xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, “Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên, phấn đấu đạt tỉ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”(2). Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cần phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân... Trong tình hình hiện nay, khi số lượng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu các loại hình doanh nghiệp(3), sự vận hành của doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước góp phần ổn định nền kinh tế, thu hút nhiều lao động xã hội, thì việc xây dựng tổ chức đảng, tổ chức đoàn và phát triển đảng viên trong khu vực này là yêu cầu quan trọng để tổ chức đảng phát huy vai trò lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người lao động, của chủ doanh nghiệp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(4). Như vậy, khi mỗi chi bộ, đảng viên ở tất cả khu vực, địa bàn đều tốt sẽ góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, toàn diện. Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển đảng trong các doanh nghiệp nói chung và trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nói riêng, bằng việc thông qua nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện. Tại Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”, Đảng đã chỉ rõ, các cấp ủy, đoàn thể cấp trên tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc. Các đoàn thể nhân dân phải tự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện của từng loại hình doanh nghiệp. Để cụ thể hóa chủ trương trên, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng về vấn đề này(5). Kế thừa tinh thần ấy, đến ngày 18-3-2019, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.
Ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, Đảng ta tiếp tục chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển đảng; tiếp tục tăng cường số lượng, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên; đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp đoàn viên, hội viên ưu tú vào Đảng; quan tâm phát triển đảng viên trong công nhân, cán bộ quản lý trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước,...
Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đẩy mạnh thực hiện công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước(6); ban hành các công văn hướng dẫn hằng năm về tiêu chuẩn, điều kiện, cách thức giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng...
Căn cứ chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc đề ra, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã cụ thể hóa số lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng trong chương trình công tác hằng năm, phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh đoàn, thành đoàn, tổ chức đoàn trực thuộc; chỉ đạo tăng cường tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Đảng; tổ chức hội thảo, diễn đàn về công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước để nắm bắt thực trạng, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả. Thông qua tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức đoàn đã kịp thời trang bị kiến thức lý luận, nghiệp vụ về công tác phát triển đảng viên cho đội ngũ cán bộ đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; đồng thời, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tổ chức đoàn của một số địa phương đã tham mưu cho cấp ủy ban hành riêng các nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp, tạo cơ sở để tổ chức đoàn tham mưu, triển khai thực hiện(7).
Một số kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, các nội dung cụ thể hóa của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, công tác phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt công tác:
Thứ nhất, việc xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước được đặc biệt quan tâm. Nội dung về phát triển tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã được các cấp bộ đoàn xây dựng thành một nội dung quan trọng trong bộ tiêu chí đánh giá kết quả của công tác đoàn và phong trào thanh niên, thiếu nhi cấp tỉnh hằng năm; luôn quan tâm, chú trọng thực hiện qua nhiều chương trình, hoạt động của các tổ chức đoàn, hội. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ đoàn trực tiếp làm công tác vận động thành lập tổ chức đoàn, hội được chú trọng; thông qua đó, thuyết phục lãnh đạo doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương thành lập đoàn, hội trong doanh nghiệp. Các tổ chức đoàn, hội luôn nỗ lực xây dựng, triển khai nhiều phong trào thi đua trong đoàn viên, thanh niên công nhân, góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất của doanh nghiệp(8). Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, củng cố tổ chức, hướng dẫn hoạt động của các đoàn cơ sở, hội đã thành lập; duy trì và xây dựng mới các câu lạc bộ, đội, nhóm có cùng sở thích trong các doanh nghiệp, khu lưu trú, khu nhà trọ, xây dựng lực lượng nòng cốt để tiến tới thành lập tổ chức đoàn, hội(9).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao bằng khen tặng thanh niên công nhân tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh_Nguồn: thieunien.vn
Đến hết năm 2022, cả nước có 18.963 tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; trong đó, có 6.534 tổ chức đoàn, với 92.291 đoàn viên (chiếm tỷ lệ 1,64% so với đoàn viên cả nước và đạt tỷ lệ 36,6% so với số đoàn viên trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, với khoảng 251.981 đoàn viên). Về tổ chức hội, trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có 12.429 nghìn chi hội, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm, với khoảng 76.012 hội viên. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, đã thành lập mới được 1.892 tổ chức đoàn và 4.282 tổ chức hội. Việc phát triển tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường số lượng, chất lượng đoàn viên trong khối, tạo tiền đề quan trọng trong công tác phát triển đảng viên.
Thứ hai, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, hình thành lý tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước được các cấp bộ đoàn chú trọng, đẩy mạnh triển khai với nhiều hoạt động cụ thể. Các cấp bộ đoàn đã kịp thời tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, đa dạng hóa hình thức triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương công tác quan trọng của Đoàn. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa, thông qua đăng ký học tập các chuyên đề trong thanh niên công nhân. Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” được triển khai phù hợp, xác lập các phẩm chất cần có của đoàn viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền giáo dục của Đoàn đã có tác động sâu sắc đến đoàn viên trong doanh nghiệp, tăng thêm niềm tin của đoàn viên, thanh niên đối với sự lãnh đạo của Đảng, giúp họ có ý chí phấn đấu vươn lên trong lao động, công tác và học tập, luôn khát khao cống hiến, mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Thứ ba, công tác tạo nguồn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp được thực hiện thường xuyên. Việc thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên, đánh giá, xếp loại đoàn viên hằng năm được các tổ chức đoàn quan tâm thực hiện, với các tiêu chí phù hợp đối tượng đoàn viên là thanh niên công nhân. Trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, các đoàn viên ưu tú được giới thiệu vào Đảng là các đoàn viên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị giao; có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, gương mẫu trong lao động, học tập, rèn luyện; tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị, đặc biệt là các phong trào của thanh niên. Các hoạt động sinh hoạt chính trị “Tiến bước dưới cờ Đảng”, tổ chức diễn đàn “Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng”, tiến hành“Trao danh sách đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp”, được tổ chức thường xuyên. Theo số liệu thống kê của các đơn vị khối doanh nghiệp nói chung, từ năm 2018 đến năm 2022, có 139.511 đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 85.758 đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp; trong đó, khối doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có khoảng 62.779 đoàn viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 38.591 đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp (chiếm tỷ lệ 44,9%).
Thứ tư, công tác kết nạp đảng viên mới từ đoàn viên ưu tú được thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Các cấp bộ đoàn đã tích cực vận động và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các phong trào hành động cách mạng, bồi dưỡng, tạo môi trường cho đoàn viên ưu tú phấn đấu, rèn luyện. Chi đoàn, đoàn cơ sở kiên trì tham mưu cho cấp ủy thực hiện các quy trình kết nạp vào Đảng đối với đoàn viên ưu tú, bảo đảm người xin vào Đảng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ Đảng; giao nhiệm vụ cho các đảng viên có uy tín, kinh nghiệm trong giáo dục, giúp đỡ đoàn viên phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú, giới thiệu đoàn viên ưu tú để kết nạp vào Đảng; thường xuyên liên hệ với cấp ủy để nắm thông tin về các đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Theo số liệu thống kê của các đơn vị khối doanh nghiệp, từ năm 2018 đến năm 2022, có 40.775 đảng viên mới được kết nạp là đoàn viên ưu tú trong khu vực doanh nghiệp; trong đó, khối doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có 18.348 đảng viên mới được kết nạp từ các đoàn viên ưu tú.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước vẫn còn những hạn chế: 1- Mặc dù đã có chủ trương, nhưng một số cấp ủy địa phương chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; cùng với đó, có một số chủ doanh nghiệp chưa phối hợp với các bên hữu quan trong công tác phát triển đảng, bởi lo ngại khi công nhân vào Đảng sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc và năng suất lao động của họ, tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị, nên số lượng tổ chức đảng, số lượng đảng viên kết nạp trong khu vực này còn thấp; 2- Tính chung trên phạm vi cả nước, số lượng tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước được thành lập qua các năm có xu hướng tăng, nhưng chưa cao so với số lượng doanh nghiệp; phần lớn các cơ sở đoàn ở quy mô nhỏ. Nhiều tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã được thành lập, song còn lúng túng, chưa chủ động trong việc tổ chức các hoạt động, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên, hình thức hoạt động không phong phú, đa dạng, chưa tạo được môi trường thuận lợi cho đoàn viên rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng; 3- Số lượng đoàn viên không ổn định, thường xuyên biến động; một mặt, do đoàn viên có thu nhập thấp chiếm tỷ lệ cao, đời sống vật chất và tinh thần chưa được bảo đảm, dẫn tới họ ít dành thời gian tham gia các hoạt động đoàn, không có nguyện vọng, nhu cầu vào Đảng; mặt khác, các hoạt động của Đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thường được tổ chức ngoài giờ; trong khi điều kiện lao động một số nơi áp lực nhiều, thời gian làm việc căng thẳng theo ca, kíp... khiến cho họ thiếu thời gian nghỉ ngơi cần thiết, nên đã chi phối đến sức khỏe, tâm lý, nhu cầu của thanh niên, ảnh hưởng đến công tác vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên và triển khai các hoạt động của Đoàn. Trong một số thời điểm, đoàn viên, thanh niên tập trung thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, nên quá trình thẩm định hồ sơ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp tới quy trình, thủ tục kết nạp đảng; 4- Cán bộ làm công tác đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước phải thực hiện kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động, trong đó có công tác phát triển đảng, dẫn đến còn chậm trong các khâu, các bước của quy trình thực hiện. Ở một số đơn vị, cán bộ đoàn thường xuyên phải thay đổi vị trí, dẫn đến việc tổ chức các hoạt động đoàn còn lúng túng và chưa hiệu quả.
Đoàn viên, thanh niên công nhân khu vực ngoài nhà nước thi đua lao động sản xuất_Ảnh: Tư liệu
Một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện thật tốt trong thời gian tới
Với những kết quả quan trọng đã đạt được, để công tác phát triển đảng viên từ đoàn viên, thanh niên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước phát huy hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, cần chú trọng thành lập các tổ chức đảng trong khối này, tăng dần tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng. Hiện nay, theo thống kê, cả nước có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhưng chỉ có 2% số doanh nghiệp này có tổ chức đảng - con số này khá khiêm tốn; do vậy, tổ chức đoàn cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, kiên trì tham mưu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các tổ chức đảng, tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; tạo sự thống nhất về nhận thức cho cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò, sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, tổ chức đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; thông qua đó, để lãnh đạo doanh nghiệp thấy được những thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thành lập các tổ chức này trong đơn vị của mình. Trong một số trường hợp, các cấp bộ đoàn cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị, tham mưu cho cấp ủy ban hành các nghị quyết, hướng dẫn, quy định cụ thể để thực hiện đồng bộ.
Hai là, tăng cường phát triển tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và tạo sự đồng thuận của lãnh đạo doanh nghiệp. Tiến hành tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, ngày hội thanh niên công nhân, tuần lễ thanh niên công nhân, ngày đoàn viên; tư vấn, hướng dẫn, tập huấn kỹ năng giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao tay nghề, ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên vì sự phát triển của doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn về Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động tại doanh nghiệp. Củng cố và phát triển hoạt động của mạng lưới các trung tâm và văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất, để nắm bắt kịp thời tư tưởng, tình hình đời sống của thanh niên công nhân.
Ba là, tiếp tục phối hợp với tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, nâng cao nhận thức về Đảng, xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho đoàn viên, thanh niên; đẩy mạnh các phong trào thi đua để đoàn viên, thanh niên có môi trường phấn đấu, rèn luyện. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức đoàn, hội, các cấp bộ đoàn cần phối hợp với công đoàn gặp gỡ, đối thoại, vận động lãnh đạo doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên tham gia chương trình, hoạt động của tổ chức đoàn, hội, các hoạt động gắn trực tiếp với doanh nghiệp. Có như vậy, công tác phát triển đảng viên mới trở nên gần gũi, có ý nghĩa đối với mỗi đoàn viên, thanh niên.
Bốn là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của tổ chức đoàn, hội trong doanh nghiệp, kiên trì tham mưu thực hiện các bước, các khâu trong công tác phát triển đảng về giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; trong đó, tập trung thực hiện các nội dung: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng lý tưởng phấn đấu vào Đảng đúng đắn cho đoàn viên; chú trọng công tác tạo nguồn, giới thiệu, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; trong đó, quan tâm bồi dưỡng đoàn viên ưu tú là công nhân lao động, sản xuất giỏi, có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có nhiều đóng góp, sáng kiến cho đơn vị và tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hội; nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ đoàn trong tham mưu, kết nạp đảng viên mới, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định. Bảo đảm đảng viên mới kết nạp phải là quần chúng thực sự ưu tú, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.
Năm là, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đoàn trong doanh nghiệp, nâng cao chất lượng tham mưu và triển khai các hoạt động. Tăng cường cán bộ đoàn chuyên trách, bán chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc địa bàn có đông thanh niên công nhân. Tổ chức đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước phải thường xuyên đánh giá thực trạng tổ chức mình, thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn để kịp thời tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, có cơ chế, chính sách hợp lý cho đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên nòng cốt trong doanh nghiệp. Chỉ khi nào có cán bộ đoàn thực sự tâm huyết, nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm với công việc thì hoạt động đoàn, trong đó có công tác phát triển đảng viên, mới thực sự hiệu quả.
Như vậy, có thể khẳng định, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và sự nỗ lực của các cấp bộ đoàn, công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong đoàn viên, thanh niên khu vực ngoài nhà nước thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên để công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước sẽ ngày càng khởi sắc, có đóng góp quan trọng trong công tác phát triển đảng nói chung, khẳng định vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công cuộc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
---------------------------
(1) Xem: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”
(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 45
(3) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về Tổng điều tra kinh tế năm 2021, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 660,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, tăng 35,1% so với năm 2016.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 113
(5) Như: Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”;...
(6) Như: Kết luận số 138-KL/TWĐTN, ngày 31-11-2008, của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa IX, “Về một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam””; Nghị quyết số 03-NQ/TWĐTN-BTC, ngày 5-3-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, “Về phát triển tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước”; Hướng dẫn số 57-HD/TWĐTN-BTC, ngày 22-12-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, “Về thành lập tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước”; Chỉ thị số 03-CT/TWĐTN-BTC, ngày 21-7-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, “Về tăng cường công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp”.
(7) Như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ...
(8) Như: Phong trào thi đua “4 nhất” (sáng tạo nhất, chất lượng cao nhất, tiến độ nhanh nhất, an toàn nhất); Phong trào đồng hành cùng với thanh niên công nhân “Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Thi đua nước rút”, “Sáng kiến - Cải tiến - Kỹ thuật - Tiết kiệm”
(9) Tiêu biểu như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước, tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội, trong đó, tỉnh Bình Dương đã triển khai thành lập 4 “Điểm sinh hoạt đoàn viên xa quê”, thành lập các câu lạc bộ “Kết nối thanh niên công nhân” trực thuộc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương.
NGUYỄN TƯỜNG LÂM
Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam
https://www.tapchicongsan