Thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930-14/10/2020)                                  Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ: Cần thực hiện sớm và đồng bộ In trang
01/11/2023 08:30 SA

Đó là một trong những nội dung quan trọng mà Ban Tổ chức Trung ương quán triệt, triển khai trong giai đoạn hiện nay. Tỉnh Lâm Đồng đã và đang chỉ đạo thực hiện nghiêm nội dung này nhằm hướng tới tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, cán bộ tinh thông nghiệp vụ, giàu bản lĩnh và trí tuệ, có đạo đức phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, củng cố niềm tin trong Nhân dân...

Công tác quán triệt, triển khai văn bản mới của Trung ương về công tác cán bộ và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc
Công tác quán triệt, triển khai văn bản mới của Trung ương về công tác cán bộ và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc

Ở thời kỳ nào thì kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) luôn là việc khó và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. “Hiện đang rất cần giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ chế giám sát quyền lực” - Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội thảo góp ý báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”. 

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ. Quy định được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2023, thay thế Quy định số 205 ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đó, Quy định với 5 chương, 16 điều đã liệt kê cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác, trong đó có việc không bố trí người có quan hệ gia đình làm lãnh đạo ở 13 ngành.

Cụ thể, theo Quy định 114, các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, bao gồm: Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

Trong Quy định, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm các quy định đã nêu, nếu bị khiển trách thì sau 12 tháng mới được xem xét quy hoạch; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Người bị cảnh cáo sẽ bị xem xét miễn nhiệm, sau 30 tháng mới được quy hoạch. Người bị cách chức, sau 60 tháng mới được xem xét quy hoạch. Người bị khai trừ Đảng sẽ bị đề xuất buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác này. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ...

Bên cạnh đó, Quy định 114 cũng liệt kê cụ thể các hành vi “chạy chức, chạy quyền” bao gồm: Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác… “Chạy” tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân...

Quy định mới của Bộ Chính trị cũng dành hẳn một chương nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong công tác cán bộ, trong đó, có trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo. Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo…

Một điểm nhấn quan trọng không thể không nhắc đến trong Quy định chính là việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Quy định nhấn mạnh cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền.

So với Quy định năm 2019 của Bộ Chính trị, Quy định lần này chi tiết các ngành cấm bố trí người có quan hệ gia đình. Theo quy định cũ, những người có quan hệ gia đình không được cùng đảm nhiệm các chức danh như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tại hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai các văn bản mới của Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho rằng, Quy định 205 đã góp phần làm tốt công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Quy định này cũng từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thao túng trong công tác cán bộ, phục vụ cho lợi ích cá nhân; bao che, tiếp tay cho tiêu cực, gây bức xúc cho cán bộ, đảng viên.

Lượt xem: 758

Thống kê truy cập
  • 003083343
  •  Đang online: 64
  •  Trong tuần: 4.478
  •  Trong tháng: 4.478
  •  Trong năm: 4.478